Thị trường

Ly kỳ nỗ lực thoát “án tử” rời sàn trong gang tấc của VC9

15/04/2022, 20:00

Kinh doanh thua lỗ liên tục khiến VC9 rơi vào diện bị kiểm soát, bị hạn chế giao dịch và trên bờ vực bị huỷ niêm yết.

Lỗ vượt vốn chủ sở hữu

Sau khi nhận được báo cáo tài chính quý 4/2021 của CTCP xây dựng số 9 (VC9), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngay lập tức lưu ý cổ phiếu này có khả năng bị huỷ niêm yết, do tổng lỗ luỹ kế của công ty đã vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2021.

img

VC9 bị hạn chế giao dịch từ 31/3/2021 do kinh doanh thua lỗ 2 năm 2019 và 2020

VC9 là một trường hợp phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, nhưng việc xem xét áp dụng tình huống này sẽ phải chờ sau khi VC9 ra báo cáo tài chính kiểm toán.

Trước đó VC9 lỗ lớn sau khi bị hồi tố báo cáo tài chính những năm trước đây. Cụ thể, việc hồi tố giá vốn hàng bán tăng vọt và trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi vào chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến kết quả kinh doanh năm 2019, 2020 của VC9 cũng phải điều chỉnh.

Việc này dẫn tới VC9 lỗ lớn trong 2 năm 2019 và 2020. Lỗ lũy kế chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020 của VC9 là 165,6 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu là 120 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, tổng số lỗ luỹ kế VC9 vẫn vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

“Cây đũa thần” có tên bút toán

Ngay khi tình thế cấp bách trước “án” bị buộc huỷ niêm yết, ban lãnh đạo VC9 đã linh động đưa ra giải pháp tình thế.

Theo đó, lãnh đạo công ty đã đưa ra tờ trình xin ý kiến cổ đông trong cuộc họp đại hội cổ đông khẩn cấp đề nghị đại hội đồng cổ đông cho phép điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính theo ý kiến kiểm toán.

Cụ thể, công ty sẽ sử dụng bút toán chuyển phần Thặng dư vốn cổ phần (34,8 tỷ đồng) và Quỹ đầu tư phát triển (21,8 tỷ đồng) sang Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nếu được, hành động “chữa cháy” này sẽ giúp phần lỗ lũy kế của công ty đang từ âm 164 tỷ đồng xuống còn 107 tỷ đồng.

Nếu được đại hội cổ đông thông qua, đồng thời báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán làm ăn có lãi, VC9 chắc sẽ thoát “án” hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế chưa vượt vốn góp của chủ sở hữu và cũng không thuộc trường hợp thua lỗ trong 3 năm liên tục.

img

Diễn biến giá cổ phiếu VC9 trong 3 năm qua

Giải trình, ban lãnh đạo CV9 cho biết, với những công trình đã ghi nhận hết doanh thu, năm 2019 và 2020 công ty đã chưa kết chuyển đầy đủ giá vốn tương ứng với doanh thu đã ghi nhận.

Thời điểm 31/12/2019 và 31/12/2020, phần giá vốn chưa kết chuyển trên được công ty phản ánh trong mục "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang".

Do đó, phần giá vốn ghi nhận thiếu cần phải được ghi nhận bổ sung đảm bảo nguyên tắc phù hợp trong kế toán.

Còn với công trình đang thi công dở dang, chưa ghi nhận doanh thu tính đến ngày 31/12/2019 và 31/12/2020 công ty đã ghi nhận giá vốn tạm tính theo tỷ lệ giá vốn/doanh thu thấp hơn so với giá vốn ước tính tại phương án kinh doanh đã xây dựng và chi phí thực tế của công trình đã tập hợp tương ứng với doanh đã ghi nhận đến 31/12/2019 và 31/12/2020.

Với các khoản nợ phải thu khó đòi, VC9 cho biết hầu hết là khoản công nợ phát sinh từ trước năm 2016. Dù công ty đã thực hiện các biện pháp để thu hồi nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Thoát “án” rời sàn

Trong thông báo mới đây, VC9 đã công bố Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường về việc điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính theo ý kiến kiểm toán.

Theo đó, đại hội cổ đông đã thông qua việc điều chỉnh số liệu mà lãnh đạo công ty đề nghị trong tờ trình đề cập ở trên.

Tiếp đó, Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 được kiểm toán của VC9 cho thấy, luỹ kế cả năm 2021 công ty lãi trước thuế 2,5 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1,7 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng chuyển từ âm 8.494 đồng thành dương 145 đồng.

Ngay sau khi thoát “án” huỷ niêm yết, công ty cũng ngay lập tức tuyên bố sửa đổi Điều lệ công ty và đổi tên công ty.

Cụ thể, tên cũ của đơn vị này là CTCP xây dựng số 9, viết tắt là Vinaconex 9 JSC được chuyển thành CTCP xây dựng số 9 – VC9, viết tắt là VC9.

Như vậy, bóng dáng Vinaconex đã không còn tại VC9.

Vinaconex 9 thành lập năm 1977, trên cơ sở hợp nhất Xí nghiệp Xây dựng số 9 trực thuộc Công ty Xây dựng Xuân Hòa và Đội ván khuôn trượt công trường K3 thuộc Công ty Xây dựng số 5.

Năm 1995, Vinaconex 9 trực thuộc Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG) theo quyết định của Bộ Xây dựng.

Cuối năm 2017, Vinaconex (VCG) đã bán ra 2,19 triệu cổ phần VC9, giảm tỉ lệ sở hữu tại VC9 từ 55,75% xuống chỉ còn 36,94% vốn

VC9 làm ăn thua lỗ, cổ phiếu thậm chí bị đưa vào diện kiểm soát của HNX và chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần kể từ ngày 31/3/2021 do kinh doanh thua lỗ 2 năm 2019 và 2020.

Tháng 11/2021, VCG bán toàn bộ 4,32 triệu cổ phiếu VC9 (36,4% vốn) đang nắm giữ tại VC9.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.