Hình ảnh bạn nghiện, dụng cụ ma túy là tác nhân chính khiến người sau cai nghiện tái sử dụng ma túy. |
Từ hình ảnh của bạn nghiện, bơm kim tiêm, giấy bạc thuốc lá... tới những cảm xúc tiêu cực đều là những “ma lực” hút người sau cai nghiện tái sử dụng ma túy.
Ngày 13/1, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD đã công bố kết quả “Nghiên cứu nguyên nhân tái sử dụng, tái nghiện ở người cai nghiện ma túy”.
Cai nghiện bằng...”ngôn ngữ tình cảm”
22 tuổi, 7 năm nghiện ma túy, M. (Phủ Lý, Hà Nam), cho biết, mặc dù nghe nhiều về những tác hại ghê gớm của ma túy nhưng vẫn tò mò muốn thử. Buổi đầu cắn thuốc, để chứng tỏ bản lĩnh, cậu cắn gấp đôi bạn chơi. Cứ như thế, M “chơi thuốc” hàng ngày với tần suất ngày càng tăng. Có khoảng thời gian, mỗi ngày M. dùng heroin khoảng 5 lần, một ngày cậu đốt từ 1 - 1,5 triệu tiền thuốc.
Từ khi phát hiện con nghiện, bố mẹ M. đôn đáo chạy vạy khắp nơi kiếm chỗ cai nghiện ma túy cho con. Có lần, bố còn đưa M. vào tận Đồng Nai, cho học nghề sửa xe để cách ly với bạn nghiện. Thương bố mẹ vất vả, M. quyết tâm tự cai tại nhà, từ cai bo đến dùng đủ các loại thuốc, đi trung tâm cai tự nguyện... nhưng vẫn chưa thành công. “Những lúc cai bo, đau nhức cơ bắp, cảm giác giòi bò trong xương, mất ngủ cả tuần, vật lộn với ma túy nhưng vẫn không thoát ra được”, M. kể lại. Vật vã, loay hoay tìm cách thoát khỏi ma túy, M. rơi vào trạng thái chán chường, tuyệt vọng.
Đúng lúc đó, qua tìm hiểu trên mạng, mẹ của M. được biết về phương pháp của PSD trên mạng Internet nên cho con đến làm việc với các chuyên gia của PSD. Bây giờ, sau khi tham gia trị liệu tại PSD, gặp những tình huống buồn chán, M. có những kỹ năng cần thiết để giải quyết mà không nghĩ đến việc sử dụng lại ma túy để giải tỏa như trước.
Theo PGS.TS. Mạc Văn Trang, Viện trưởng Viện PSD, phương pháp trị liệu bằng tâm lý sẽ giúp người nghiện xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm. “Chúng tôi quan niệm, dù dùng phương pháp gì thì cũng phải coi người cai nghiện là trung tâm, dùng tình yêu thương để cảm hóa, giúp họ vượt qua những khó khăn.
Mọi tác động bên ngoài đều phải thông qua cơ chế tự điều chỉnh bên trong của cơ thể mới đem lại hiệu quả. Vì vậy, bí quyết trị liệu tâm lý là đem lại cho người cai nghiện ma túy niềm tin và kỹ thuật để vượt qua trạng thái thèm nhớ ma túy, dần dần tự làm chủ bản thân, trước các tác nhân gây nghiện”.
Hơi của bạn nghiện cũng kích thích tái nghiện
“Nghiên cứu nguyên nhân tái sử dụng, tái nghiện ở người cai nghiện ma túy”, được thực hiện trên 1.329 học viên đang cai nghiện tại 7 trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội thuộc 6 tỉnh, thành phía Bắc. Theo đó, có ba nhóm nguyên nhân dẫn đến hành vi tái sử dụng ma túy ở người sau cai nghiện ma túy.
Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến năm 2015, cả nước có 200.134 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Đã có nhiều phương pháp cai nghiện, điều trị được áp dụng song tỷ lệ thành công thấp. Tỷ lệ tái nghiện và tỷ lệ nghiện mới tăng cao, đặc biệt trong nhóm tuổi thanh, thiếu niên. |
Thứ nhất nhóm nguyên nhân từ các hình ảnh trực quan (những người liên quan trong quá trình sử dụng ma túy, các đồ vật, dụng cụ sử dụng ma túy, các địa điểm từng sử dụng ma túy); tiếp đến là nhóm các cảm xúc; cuối cùng là nhóm tình huống và hành vi nguy cơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy có liên hệ đặc biệt giữa ba nhóm nguyên nhân trên với hành vi tái sử dụng ma túy của người nghiện.
Trong đó: “Hình ảnh người bạn nghiện” có ảnh hưởng lớn nhất (chiếm 87,7%) tới hành vi tái sử dụng ma túy, tiếp theo là “đôi mắt”, “mùi của người bạn nghiện” là 31% và 45,5%. Đối với đồ vật/dụng cụ thì “giấy bạc thuốc lá” và “bơm kim tiêm” có mức ảnh hưởng là 32,7% và 68%; “quán nước hay ngồi với bạn nghiện”, “nơi mua bán ma túy” là 43,1% và 56,9%. Ngoài ra, hành vi tái nghiện cũng xảy ra khi người nghiện rơi vào các cảm xúc tiêu cực như “bị kỳ thị/xa lánh 52,7%”, “cảm thấy trầm uất/cô đơn 43,2%”, “tức giận/bực bội 38,2%), “mất niềm tin 37,7%”. Ngoài ra, với các tình huống như: “Gặp lại nhóm bạn cùng nghiện chiếm 62,3%”, “bị bạn nghiện rủ rê dùng lại ma túy 48,2%”, “khi sử dụng các chất kích thích 47,7%), nói chuyện với bạn bè về ma túy cũng đều kích thích ham muốn sử dụng ma túy đối với người nghiện.
Từ những kết quả nghiên cứu, nhóm chuyên gia PSD chứng minh phương pháp trị liệu tâm lý sẽ giúp người nghiện có thể phòng chống tái nghiện hiệu quả. Cụ thể, phương pháp này diễn ra trong thời gian ba tháng, được chia làm ba giai đoạn chính nhằm giảm sức hút của ma túy đến từ các tác nhân kích thích, giúp chủ thể có những kỹ năng cần thiết để vượt qua cơn thèm nhớ ma túy, quản lý sự căng thẳng tâm lý hiệu quả; và từ đó giúp chủ thể hình thành những dạng phản xạ mới, định hướng hành vi không sử dụng ma túy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận