Vào viện sau những lần đi bơi
Chị Nguyễn Thu Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa phải đưa con trai 10 tuổi đến bệnh viện khám vì viêm mũi sau những buổi đi bơi. Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, sau nội soi, bác sĩ xác định hốc mũi của bé có nhiều mủ đặc, niêm mạc mũi phù nề, xung huyết.
Bác sĩ nội soi mũi, họng cho trẻ nhỏ đến khám sau bơi lội.
BS Nguyễn Thị Hoa Hồng, Khoa Tai Mũi Họng Trẻ em cho biết, do trẻ đã tự dùng kháng sinh tại nhà nhưng không hiệu quả nên ngoài các biện pháp điều trị kết hợp, các bác sĩ đã cho cấy đờm tìm vi khuẩn để chỉ định loại kháng sinh phù hợp.
BS Hồng cũng cho biết, vài ngày trước, một nam thanh niêm tìm đến khám với biểu hiện đau tai. Theo bệnh nhân chia sẻ, cơn đau xuất hiện sau khi tắm biển và anh này đã dùng bông tăm ngoáy tai.
Kết quả nội soi cho thấy, hai bên ống tai của bệnh nhân đều phù nề, xung huyết… Nguyên nhân được xác định do cát biển lọt vào tai, quá trình ngoáy tai bằng bông tăm khiến cát chà sát mạnh vào ống tai và dẫn tới viêm tai.
Cũng theo BS Hồng, số ca khám có liên quan tới bơi lội gia tăng trong dịp hè, nhất là bệnh viêm mũi xoang, viêm amidan cấp. Các bệnh này thường gặp ở những người tham gia bơi lội và sử dụng điều hòa không hợp lý.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ông Hoàng Văn Dũng (66 tuổi, quận 2, TP.HCM) đến khám trong tình trạng tai phải ù và sưng đau, tai trái ngứa và chảy dịch sau khi đi bơi khoảng 1 tháng.
Ông được chẩn đoán viêm tai ngoài bên phải và nấm ống tai ngoài bên trái. Theo bác sĩ điều trị, đây là tình trạng nhiễm trùng ống tai bởi các tác nhân vi khuẩn và vi nấm.
Bể bơi chứa nhiều vi khuẩn
Theo BS Hồng, do trong nước bể bơi thường có thành phần Clo nên gây kích ứng niêm mạc mũi, xoang, làm cho niêm mạc nề, gây bít tắc lỗ thông xoang và dễ dẫn đến viêm xoang. Ngoài ra, bể bơi không đủ tiêu chuẩn cũng chứa nhiều mầm bệnh dẫn tới các bệnh lý ở mũi.
BS Diệp Phúc Anh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM phân tích: Số ca viêm tai tới khám một tháng qua tăng cao, chủ yếu là trẻ em. Trẻ có sức đề kháng yếu hơn, cấu tạo của vòi nhĩ nằm chếch với phương ngang và ngắn hơn nên nguồn nước tắm nhiễm khuẩn dễ tấn công, đối diện nguy cơ viêm tai giữa nhiều hơn.
"Mùa nắng nóng hồ bơi chứa nhiều vi khuẩn, virus do một số người không vệ sinh cơ thể trước khi xuống hồ bơi, khạc nhổ, tiểu tiện trong hồ bơi, hoặc đi bơi khi đang mắc các bệnh ngoài da, bệnh viêm nhiễm… Đây là nguồn lây nhiễm bệnh cho người bơi khác", BS Phúc Anh lưu ý.
Để phòng bệnh, theo BS Hồng, mọi người cần lựa chọn bể bơi đạt tiêu chuẩn; tắm gội ngay sau khi bơi; dùng nước muối sinh lý vệ sinh rửa mũi loại bỏ clo trong hốc mũi; không dùng bông tăm ngoáy tai.
Cẩn trọng với biến chứng
Theo các bác sĩ chuyên khoa, điều đáng ngại nhất là bệnh nhân khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh lý tai, mũi, họng lại thường chủ quan, tự điều trị không đúng cách, để lại hậu quả mới tới bệnh viện.
Theo khuyến cáo của BS Phúc Anh, người bệnh nên đến bệnh viện điều trị nếu nhận thấy các dấu hiệu của viêm tai như sưng đỏ tai; đau nhức tai; chảy dịch màu xanh hoặc màu vàng và có mùi hôi; ngứa tai; sưng nề ống tai; sốt; ù tai; nghe kém; cảm giác đầy, nặng tai.
Người bệnh tuyệt đối không tự ý nhỏ các dung dịch, thuốc không rõ nguồn gốc vào tai, không dùng các dụng cụ ngoáy sâu bên trong tai gây trầy xước khiến tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.
Các bệnh nhiễm trùng tai nếu không được chữa dứt điểm, tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: gây thủng màng nhĩ dẫn đến giảm thính lực, thậm chí điếc; nhiễm trùng tai tái đi tái lại; tổn thương xương và sụn tai; nhiễm trùng lan rộng, xâm nhập các mô xung quanh sọ não hoặc gây tổn thương các dây thần kinh; rối loạn tiền đình với các biểu hiện mất cân bằng, chóng mặt; viêm não hoặc viêm màng não…
Khi nào cần đến viện?
BS Hồng cho biết thêm, các bệnh lý tai mũi họng phần lớn đều bắt đầu do nhiễm virus. Vì vậy, khi mới có triệu chứng ngạt mũi, chảy mũi, hắt hơi, sốt nhẹ, mọi người hoàn toàn có thể dùng các thuốc không kê đơn để điều trị như: thuốc cảm cúm, thuốc ho, xịt rửa mũi bằng nước muối, súc họng…
Tuy nhiên, lưu ý tuyệt đối không dùng kháng sinh vì có thể làm tăng nặng tình trạng kháng thuốc. Nếu sau 3-5 ngày, triệu chứng nặng hơn hoặc không cải thiện thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa. Hoặc khi có các dấu hiệu đau nhức vùng mặt, sốt cao liên tục, chảy mũi đặc, đau nhức, ù tai… thì ngay lập tức đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được điều trị kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận