Dòng xe cộ ùn tắc tại biên giới hai nước Malaysia - Singapore hàng giờ đồng hồ vì các lái xe buýt biểu tình phản đối thu phí |
Thu phí để trả đũa?
Quyết định nói trên được thực hiện theo đề xuất của chính quyền bang Johor, theo đó sẽ áp dụng thu phí đối với ô tô nước ngoài đi vào biên giới Malaysia qua Johor. Đề xuất này được đưa ra sau khi nước láng giềng Singapore quyết định tăng phí qua biên giới của ô tô nước ngoài vào Singapore 35 đôla Singapore/ngày, tăng gần gấp đôi so với mức 20 đôla Singapore hiện nay và có hiệu lực từ 1/8, áp dụng thu phí tất cả các ô tô nước ngoài đi vào biên giới nước này nhằm giảm lưu lượng giao thông giờ cao điểm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Malaysia - Liow Tiong Lai cho biết: Hiện tại ô tô từ Singapore vào Malaysia qua cửa khẩu đường bộ không phải trả bất cứ loại phí nào. Trước đề xuất của chính quyền bang Johor, ông Liow Tiong Lai cho rằng, cần xem xét cẩn trọng bởi Malaysia có đường biên giới chung không chỉ với Singapore mà còn cả Thái Lan, Kalimantan (Indonesia) và Brunei.
Đề xuất này không phải là mới. Chính quyền bang Johor trước đây đã từng đưa ra đề xuất tương tự, do lượng lớn xe Singapore thường xuyên sử dụng đường bộ và cơ sở hạ tầng giao thông của bang này đã gây ra nhiều vấn đề, đặc biệt là tắc nghẽn giao thông ở thành phố trung tâm Johor. Năm 2006, chính quyền bang đề xuất áp mức phí 20 RM đối với ô tô từ Singapore và Thái Lan vào Malaysia qua biên giới. Nếu áp dụng việc thu phí qua biên giới đường bộ đối với xe ô tô nước ngoài, số tiền thu được sẽ được sử dụng vào mục đích duy trì và nâng cấp đường bộ của bang. Nhưng đề xuất này không được áp dụng. Theo Bộ GTVT Malaysia, mỗi ngày có khoảng 300.000 xe đi lại giữa Johor và Singapore Causeway, hầu hết là xe Malaysia, đặc biệt là khu vực bang Johor.
Việc thu phí là công bằng
Dù việc thu phí của Malaysia mới chỉ là đề xuất, nhưng đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía người dân hai nước. “Vấn đề tắc nghẽn giao thông là do quản lý yếu kém, các cơ quan hữu quan cần có biện pháp hiệu quả hơn. Việc thu phí là không thể chấp nhận được cả ở Singapore và Malaysia khi người dân vẫn phải chịu cảnh tắc đường khi qua biên giới”. Aed Anaki, một người dân ở Singapore cho biết. Còn anh Soh Simon, sống tại bang Johor cho rằng: “Singapore và Malaysia cần thảo luận về vấn đề thu phí qua biên giới. Một giải pháp được thống nhất sẽ có lợi cho cả hai bên. Còn nếu mỗi bên đều áp dụng loại phí như thế này, bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là người dân”.
Ngày đầu tiên Singapore áp mức phí mới đối với xe qua biên giới, hàng nghìn người Malaysia làm việc tại Singapore đã phải đi bộ hàng km qua Causeway (nối Malaysia và Singapore) để đến nơi làm việc. Các lái xe từ chối qua biên giới để phản đối việc tăng phí. Hàng trăm chiếc xe mắc kẹt tại đây từ 4h sáng đến tận 8h sáng, gây ách tắc nghiêm trọng nhiều giờ liền. |
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Phát triển khu vực, nông thôn và lao động công cộng của bang Johor, ông Datuk Hasni Mohammad, thật không công bằng khi việc thu phí đối với xe nước ngoài chỉ Singapore áp dụng. Theo ông Datuk Hasni Mohammad, loại phí mà chính quyền bang Johor đề xuất sẽ không là một gánh nặng đối với người Malaysia làm việc ở Singapore cũng như những người từ Singapore đến Johor Baru thường xuyên. Theo ông Datuk Hasni Mohammad, mức phí mà Malaysia dự kiến thu là khoảng 50 RM, tương đương với mức phí cũ (20$ Sing) mà nước láng giềng áp dụng trước đây.
Người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Malaysia, ông Datuk Dr Wee Ka Siong cho biết, việc thu phí qua biên giới vào Johor Baru sẽ hầu như không tác động hoặc tác động rất nhỏ tới những người Singapore đi vào thành phố này qua Causeway và Second Link. Khách du lịch qua biên giới cũng sẽ không giảm chỉ vì việc áp dụng loại phí này và người Singapore sẽ vẫn tới Malaysia vì các nguồn thực phẩm và hàng hóa rẻ hơn.
Thu Thảo
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận