Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo Tết Tân Sửu 2021 được chuẩn bị chu đáo (ảnh minh họa)
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường rất đủ đầy sẽ là hiện thân của ước muốn một năm mới gia đình sung túc. Tuy không cần cầu kỳ nhưng mâm cúng ông Công ông Táo lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình.
Theo đó, mâm cúng ông Công ông Táo thường có mâm cỗ mặn và mâm cỗ ngọt.
Cụ thể mâm cỗ mặn gồm: 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng; 1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng...
Còn mâm cỗ ngọt gồm: 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 3 chén rượu; 1 quả bưởi; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; tập giấy tiền, vàng mã; cá chép sống
Và không thể thiếu một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Bộ mã này tùy từng năm theo ngũ hành mà khác nhau; có năm áo - mũ - hia dùng màu vàng, có năm lại màu xanh... Những đồ vàng mã này sẽ được đốt đi sau lễ cúng.
Ngoài ra, ở cúng ông Công ông Táo ở miền Bắc các gia đình cũng mua thêm 3 con cá chép, cá vàng sống (hoặc cá giấy - sau lễ đốt cùng vàng mã) thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ. Sau khi làm lễ thì đem ra sông thả, chúng được coi như là phương tiện đưa Táo quân lên trời. Ngoài ra, hình tượng cá chép cũng truyền tải khát vọng "cá chép hóa rồng" ngụ ý thăng hoa, tinh thần bền lòng chinh phục tri thức và sự thành công.
Phong tục thả cá chép ở miền Bắc.
Ở miền Trung thì thường cúng một con ngựa giấy đầy đủ yên cương; riêng miền Nam chỉ cúng áo, mũ giấy là đủ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Phạm Văn Tuấn, Viện Hán Nôm cho rằng: "Việc cúng ông Công, ông Táo bằng cá sống sau đó thả ra sông hồ, hay cá giấy rồi đốt sau khi xong lễ cũng đều có ý nghĩa như nhau. Vì điều này chỉ mang tính tượng trưng của nghi lễ cúng. Ngay cả việc sắp mâm cỗ cũng tùy thuộc vào điều kiện tài chính của mỗi gia đình, quan trọng nhất là thành tâm cầu cúng".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận