Mâm cơm cúng ông Công ông Táo. (Ảnh: GG)
Theo quan niệm dân gian, với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng. Tuy nhiên, lễ cúng ông Công ông Táo cần được thực hiện thế nào, mâm cúng đặt ở đâu là điều không phải ai cũng biết.
Vị trí đặt mâm cúng ông Công ông Táo
Theo quan niệm của một số người, ông Công là thần thổ công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà; ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc, vì vậy lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo quan niệm của đa số người Việt Nam, cúng bái luôn là việc yêu cầu sự trang nghiêm nên lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng. Một số gia đình có bàn thờ ông Táo riêng, điều này sẽ giúp lễ cúng thêm trang nghiêm hơn.
Nếu gia đình nào không có ban thờ ông Công ông Táo riêng thì nên thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên đặt trong nhà bếp.
Như vậy, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu hay thống nhất nào về việc cúng ông Công ông Táo trên ban thờ gia tiên hay dưới bếp là đúng. Tuy nhiên, có một điều thống nhất là nghi lễ cúng ông Công ông Táo đều phải được thực hiện long trọng, thể hiện sự thành kính của gia chủ.
Trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo, xưa nay các gia đình đều có cá chép. Nhiều vùng miền còn cúng cá chép sống với ý nghĩa “cá chép hóa rồng” để đưa các vị Táo về thiên đình.
Nếu không có thời gian cũng như điều kiện mua cá sống, các gia đình có thể hóa cá chép giấy cùng với vàng mã.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Vì ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.
Bài văn khấn ông Công ông Táo
Văn khấn ông Công ông Táo cổ truyền Việt (Trích từ sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” của tác giả Nguyễn Bích Hằng, NXB Văn hoá thông tin 2010).
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là:
Ngụ tại:
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Văn khấn Nôm truyền thống (Trích từ sách “Văn khấn Nôm truyền thống” của Hoà thượng Thích Viên Thành, NXB Thanh Hoá 2009).
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Kính lạy ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Tín chủ chúng con là:
Ngụ tại:
Nhân ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự gia thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trái gái, già trẻ, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
(Bài viết mang tính tham khảo)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận