Đường bộ

Mạng lưới giao thông ở miền Tây hiện như thế nào?

02/12/2022, 15:06

Các dự án đang được tập trung thi công và tháo gỡ khó khăn, để trong tương lai hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ cho ĐBSCL…

Đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm

Ngày 2/12, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), cho biết, trong 5 gói thầu xây lắp thuộc dự án cầu Mỹ Thuận 2, đã có 1 gói thầu hoàn thành vào năm 2021. Các gói còn lại đang được triển khai đảm bảo tiến độ.

img

Hình ảnh thi công công trình cầu Mỹ Thuận 2.

Riêng gói thầu chính XL.03B thi công thân trụ từ T14 đến T17 và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng, hiện khối lượng thi công đang vượt hơn 3%.

Các nhà thầu đang triển khai 3 mũi thi công, thi công xong 30/33 đốt thân trụ T15, 29/33 đốt thân trụ T16. Dự kiến xong toàn bộ trụ vào cuối tháng 12/2022.

Nhịp chính dây văng dự kiến đến ngày 30/10/2023 hoàn thành 16 đốt đúc nhịp chính trên mỗi trụ tháp. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2023.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 khởi công tháng 2/2020, bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long tổng chiều dài 6,61 km; điểm đầu nối dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Trong đó, cầu chính dài hơn 1,9km, được đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Cầu được xây cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 300m về phía thượng lưu.

img

Diện mạo giao thông vùng ĐBSCL không ngừng được cải thiện.

Còn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ kết nối cao tốc cầu Mỹ Thuận 2, kéo dài 23km đến cầu Cần Thơ, được đầu tư với quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17m.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.826 tỷ đồng, khởi công năm 2021 và dự kiến hoàn thành năm 2023.

Ông Phan Duy Lai, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, hiện 15 cầu trên tuyến cơ bản đã hoàn thành. Trong 20km đường, đã có 17km đang gia tải giai đoạn 1, còn lại 3km đang thực hiện. Dự kiến ngày 31/12/2022 sẽ cơ bản hoàn thành tuyến...

Hiện tại, nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được đầu tư nhằm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL phát triển.

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ưu tiên nguồn vốn lên đến khoảng 86.000 tỷ đồng đầu tư hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm cho ĐBSCL.

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, hiện nay, dự án đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Kế hoạch sẽ khởi công trước ngày 30/6/2023.

Bên cạnh đó là dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ nối QL91 đến QL61C (đã khởi công ngày 17/11/2022). Dự án Xây dựng và nâng cấp mở rộng ĐT923 đang triển khai thi công. Ngoài ra còn có Dự án Xây dựng và Nâng cấp mở rộng các ĐT917, 918, 921 dự kiến khởi công tháng 12/2022…

img

Cắm mốc GPMB dự án thành phần 2 (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.

Ðồng thời, Cần Thơ đang đề xuất đầu tư dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, bằng nguồn vốn vay JICA.

Đề xuất này gồm 3 công trình: Nâng cấp, mở rộng QL1C; đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; cầu Ô Môn); triển khai đầu tư Dự án Cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm giai đoạn 1 (dự kiến khởi công quý IV-2023).

Đồng thời đang đề xuất đầu tư giai đoạn 2 của dự án bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á để xây dựng cầu vượt tại 5 nút giao thông trọng điểm của trung tâm TP Cần Thơ.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết, hiện Bộ GTVT đang triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn TP.

Có thể kể như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Ðông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (dự kiến khởi công tháng 12/2022 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025); nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thành đường cao tốc (dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024).

Ngoài ra còn có Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Nam Sông Hậu (triển khai đầu tư năm 2023 bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (đã khởi công ngày 19/12/2021); xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (đã khởi công ngày 28/12/2021).

Gỡ khó, đảm bảo tiến độ

Hiện nay, 3 tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đang được chủ đầu tư và các địa phương tập trung triển khai.

img

Phối cảnh Dự án đường Vành đai phía Tây Cần Thơ gần 4.000 tỷ đồng.

Trong số này, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có mức đầu tư dự kiến hơn 44.690 tỷ đồng. Tổng chiều dài cao tốc hơn 188km, đi qua địa phận các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và được chia làm 4 dự án thành phần vận hành độc lập.

Hiện dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ với chiều dài hơn 37km đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cát, giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Bên cạnh đó, một số dự án thành phần khác đang có nguy cơ bị “đội” vốn. Đơn cử, dự án thành phần 4 (thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư.

Theo tính toán của tư vấn, tổng mức đầu tư của dự án có thể vượt hơn 950 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự kiến 11.120 tỷ đồng đã được phê duyệt.

Còn dự án thành phần 1 (thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu), theo báo cáo từ chủ đầu tư là Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chi phí dự án tăng hơn 350 tỷ đồng về chi phí GPMB và chi phí xây dựng.

Trong buổi làm việc với các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với chủ đầu tư các dự án thành phần, rà soát lại mức đầu tư của các dự án. Từ đó, báo cáo về Bộ GTVT để có phương án xử lý.

Các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, bám sát theo các mốc tiến độ của Nghị quyết Chính phủ đã đề ra.

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, các cơ quan của Chính phủ hoàn thành thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB... để đảm bảo tiến độ các tuyến cao tốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.