Tin nhắn bí ẩn
Tuần báo Blitz của Bangladesh ngày 16/10 cho hay, trong bối cảnh Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang chuẩn bị cho chiến dịch tấn công trên bộ để trả đũa cuộc tập kích bất ngờ của Hamas hôm 7/10, một tin nhắn bí ẩn đã được gửi tới công dân Ấn Độ.
Cụ thể, một công dân mang quốc tịch Ấn Độ cho biết đã nhận được tin nhắn từ số điện thoại với mã vùng +967 từ Yemen.
Trong tin nhắn là các bức ảnh chụp các quả bom/đạn gắn trên máy bay không người lái (drone), kèm nội dung cho biết, người này đang tìm mua 1.000 sản phẩm tương tự.
Phần tin nhắn văn bản có nội dung như sau:
- Xin chào
- Đây có phải sản phẩm của anh không?
- Tôi cần 1.000 chiếc như thế này.
Công dân Ấn Độ sau đó đã gửi ảnh chụp màn hình tin nhắn tới Blitz và đề nghị tờ này tìm hiểu, làm rõ vụ việc.
Nhóm điều tra của Blitz đã tiến hành xác minh lý do tin nhắn này được gửi tới số điện thoại của Ấn Độ, đồng thời kiểm tra xem tin nhắn có gửi nhầm vào số liên hệ trên WhatsApp của công dân Ấn Độ do lỗi đánh máy hay không.
Blitz cho biết, họ cũng đã cố gắng tìm hiểu xem có số liên hệ WhatsApp nào tương tự tồn tại ở Pakistan hay một quốc gia nào khác hay không.
Mặc dù chưa có kết quả xác minh cuối cùng nhưng về sơ bộ, từ cách thức và nội dung của tin nhắn, Blitz cho rằng người gửi có thể đến từ nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, hoặc một tổ chức khác đang chống lại Israel.
Cũng có thể lực lượng Hamas đang tìm cách liên hệ với các nhà cung cấp UAV mang thuốc nổ bằng cách sử dụng đầu số Yemen và các số liên hệ khác qua WhatsApp.
Trước đó, theo hãng tin Reuters và trang tin Middle East Eyes, trong ngày 10/10, Abdul Malik al-Houthi, lãnh đạo nhóm vũ trang Houthi tại Yemen đã đưa ra cảnh báo rằng, Houthi sẵn sàng tham gia các hoạt động thù địch chống lại Israel nếu Mỹ can dự trực tiếp để ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Abdul Malik al-Houthi tuyên bố: "Nếu người Mỹ trực tiếp can dự, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia vào các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và các hoạt động quân sự khác".
Sau tuyên bố trên, Houthi tiếp tục có động thái phát đi thông điệp răn đe của mình.
Trong ngày 12/10, theo ghi nhận của trang tin Avia.Pro, nhóm vũ trang Houthi đã đăng tải lên internet các bức ảnh kèm nhiều thông điệp được viết bằng cả tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái.
Một phần nội dung trong các thông điệp này được dịch ra là: "Chúng tôi đang đến... hãy mong chờ những điều bất ngờ".
Mối đe dọa của drone với Israel
Theo tờ Jerusalem Post (JPost), trong cuộc tập kích nhằm vào Israel hôm 7/10, Hamas đã sử dụng các drone cỡ nhỏ, được cải tiến để mang đạn dược tấn công các trạm quan sát của IDF, trong đó có cả một trạm được trang bị súng máy điều khiển từ xa.
Việc sử dụng các drone thương mại có sẵn trên thị trường để tấn công như thế này đang gây ra những lo ngại nhất định và Hamas không phải là nhóm vũ trang đầu tiên ứng dụng phương thức đó.
Trong trận Mosul ở Iraq, IS đã sử dụng các drone tương tự. Bộ Tư lệnh Mỹ từng nhiều lần cảnh báo về việc drone mua tại các cửa hàng thương mại có thể được chuyển đổi để dùng như vũ khí tấn công.
Bài viết trên nhật báo Calcalist của Israel tuần trước đã tiết lộ một chút về cách Hamas chuyển đổi các drone này thành "máy bay không người lái cảm tử".
Theo đó, drone mang bom được thiết kế để mang một quả bom với ngòi nổ kích hoạt khi tiếp xúc với mục tiêu. Nó gồm 1 giá gắn vũ khí và 1 thiết bị phóng. Những chiếc drone tương tự cũng đã được sử dụng trong cuộc chiến Nga-Ukraine.
Drone đang trở thành một trong những vũ khí phổ biến trên chiến trường hiện đại. Trang mạng The Drive cho biết, năm 2006, Hezbollah đã phát triển được khả năng phóng cùng lúc nhiều drone vào không phận Israel và tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử. Khả năng tấn công bằng drone có thể gây nguy hiểm cho các trung tâm dân cư, cũng như cơ sở hạ tầng của Israel.
Mặc dù vậy, theo tờ JPost, drone cũng có những hạn chế như có thể bị nhiễu tín hiệu hoặc bắn hạ. Trong những năm qua, các công ty quốc phòng Israel đã phát triển nhiều công nghệ giúp vô hiệu hóa mối đe dọa này, ví dụ như hệ thống ReDrone, Drone Guard, Smartshooter và Regulus Cyber Ring.
Tuy nhiên, các hệ thống phải được sử dụng kết hợp trong mạng lưới phòng không nhiều lớp mới có được hiệu quả tối đa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận