Giá giảm tới 30% vẫn “ế”
Những ngày đầu tháng 3, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại khu nhà phố thương mại (shophouse) nằm trên mặt đường Tố Hữu, quận Hà Đông do Công ty CP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư, nhiều tấm biển quảng cáo trơ khung sắt, nằm phơi sương gió. Những tấm biển hiệu mặt tiền lần lượt bị tháo đi, bỏ trơ lại đầu vít nở hoen rỉ. Treo lên đó là tấm biển thông báo “cho thuê nhà” màu đỏ chót.
Ít ai biết, cũng tại điểm này, 4 tháng trước, biển hiệu xanh đỏ nhấp nhô, giá thuê cao ngất ngưởng, mặc cả “gãy lưỡi” cũng trên dưới 40 triệu đồng/tháng. Giờ đây, khi PV liên hệ tới số điện thoại chủ shophouse 5 tầng với diện tích 60m2/sàn, vị này cho hay: “Giá cho thuê 39 triệu đồng/tháng. Thời gian theo nhu cầu bên thuê. Đồng ý thuê phải đặt cọc 1 tháng, tiền nhà đóng tối thiểu 3 tháng”.
Thế nhưng, chỉ vài phút nói chuyện, chủ nhà đã thật thà báo giá mong muốn cho thuê 28 triệu đồng/tháng. Trong thời gian đang thuê, nếu chủ nhà lấy lại, sẽ phải đền bù bằng 1 năm thuê (336 triệu đồng) và chi phí đã đầu tư sửa chữa. “Trước đây tôi cho cửa hàng quạt điện trang trí thuê giá đó. Giờ dịch bệnh đành phải giảm theo tình hình chung”, nữ chủ nhà trần tình.
Trên phố Trương Định, quận Hoàng Mai, chị Nguyễn Thị Duyên đang thông báo cho thuê cửa hàng diện tích 80m2 với giá 8 triệu đồng/tháng, ngày thuê bắt đầu từ 1/4. Nếu so sánh với giá cho thuê trên hợp đồng ký hết tháng 3/2020 thì giá mới đưa ra đã giảm đến 30%. Cầm trên tay bản hợp đồng với khách cũ để làm chứng, chị Duyên cho hay: “Trước tôi cho thuê 12 triệu đồng/tháng, họ thuê hết tháng 3, giờ cho thuê 8 triệu đồng là giảm hết sức rồi”.
Ghi nhận tại dãy shophouse tại đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm và một số tuyến phố như: Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa; Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân... nhiều cửa hàng cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Không chỉ những cửa hàng đã đóng cửa, nhiều cửa hàng đang hoạt động cũng “dở sống, dở chết”. Chị Phương Lan, chủ quán đồ uống trên phố Nguyễn Lương Bằng cho hay: “Tôi thuê mặt bằng được 3 tháng, giá 23 triệu đồng/tháng, bỏ gần 200 triệu đồng để trang trí sửa sang lại. Giờ không ngờ ra nông nỗi này, càng bán càng lỗ. Tôi xin chủ nhà giảm giá thuê nhưng họ nói còn đang suy nghĩ. Tôi cũng đang tính sang nhượng cửa hàng cho người khác làm”.
Tham gia hoạt động môi giới, kinh doanh, tư vấn bất động sản hơn chục năm, anh Nguyễn Văn Tuấn (quận Nam Từ Liêm) nói, chưa bao giờ thấy xảy ra tình trạng như hiện nay, cửa hàng đua nhau đóng cửa, giá cho thuê mặt bằng giảm mạnh cũng không có người thuê. “Đa phần các mặt bằng cho thuê hiện nay đều giảm giá 20%, cá biệt có mặt bằng giảm đến 30%. Thế nhưng, thời điểm này rất ít khách”, anh Tuấn cho biết.
Trong rủi có may?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, cả Hiệp hội và Hội Môi giới bất động sản đều không thống kê số lượng giao dịch mặt bằng cho thuê vì thuộc thỏa thuận dân sự. Tuy nhiên có thể khẳng định, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống đang phải chịu tác động kép, nặng nề nhất từ trước tới nay.
“Khách hàng ngoài sợ bị phạt uống rượu, bia lái xe còn tránh tụ tập nơi đông người, đề phòng lây nhiễm dịch bệnh. Những cửa hàng lớn, giá mặt bằng thuê cao, khoảng 3 tháng nay người thuê “không chịu nổi nhiệt” phải trả lại mặt bằng là chuyện bình thường”, ông Thanh nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng nhận định, hiện nay việc trả lại mặt bằng đang tác động trực tiếp đến “nền kinh tế mặt tiền”, tác động đến nguồn thu và cuộc sống người dân đang có nhà cho thuê. Nếu bên cho thuê giữ giá cao sẽ không có người thuê, khi đó giá trị lợi nhuận bằng 0 đồng. Do vậy, giảm giá cho thuê, đảm bảo có lợi cho cả hai bên là điều mà những người sở hữu mặt bằng nên làm lúc này.
Tuy nhiên, theo ông Châu, “trong cái rủi lại có cái may” khi nền “kinh tế mặt tiền” không còn phù hợp, xu hướng bán hàng online lên ngôi. “Thay vì phải đến cửa hàng, giờ đây khách hàng ngồi nhà đặt ship mang đến tận nơi. Gia đình, bạn bè cùng liên hoan, ăn uống mà không phải tới nơi đông người.
Mua bán online đang là một xu thế tích cực, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0. Hơn nữa, cũng mang lại tác động tốt đến quy hoạch đô thị. Ví như tại Thái Lan, khi không còn kinh doanh mặt tiền nữa, họ xây dựng nhà cao tầng quy mô, đồng bộ hạ tầng. Tầng 1 thường để kinh doanh thì nay nó trở thành nơi đỗ xe, vừa tiện lợi, tiết kiệm lại đảm bảo mỹ quan đô thị”, ông Châu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận