Giám sát chặt hoạt động của phương tiện, kịp thời đưa ra cảnh báo
Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015. Với chiều dài toàn tuyến hơn 105km, trở thành tuyến đường cao tốc lớn, hiện đại nhất Việt Nam với quy mô 6 làn đường, mặt đường được trải lớp tạo nhám dày 5cm cho phép chạy tối đa 120km/h.
Đây cũng là tuyến đường có lưu lượng phương tiện lớn, công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) vì thế luôn được coi trọng.
Lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, từ năm 2008, đơn vị này đã tiên phong, đón đầu làn sóng cách mạng công nghệ 4.0, ứng dụng hệ thống giao thông thông minh cho tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Hệ thống giao thông thông minh (ITS) được VIDIFI tính toán ứng dụng ngay từ khi lập dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Doanh nghiệp này đã chủ động thuê tư vấn quốc tế thiết kế triển khai ứng dụng hệ thống này vào quản lý khai thác tuyến đường tương tự như công tác quản lý các tuyến đường cao tốc tại các nước phát triển (theo tiêu chuẩn quốc tế).
Hệ thống này bao gồm 32 màn hình thông minh sử công nghệ DLP hiện đại, đảm bảo hình ảnh tín hiệu hiển thị được sắc nét và liên tục.
Ngoài ra, dọc tuyến còn bố trí hệ thống gồm 58 camera tự động với bán kính quan sát mỗi camera hơn 1km, có thể phóng to 32 lần, khoảng cách trung bình khoảng 2km/camera. Hệ thống camera này giúp theo dõi chặt chẽ các hoạt động trên đường cao tốc.
Qua đó, trung tâm điều hành có thể quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện, kịp thời đưa ra cảnh báo cũng như phương án xử lý nếu có tai nạn, sự cố xảy ra.
"Năm 2017, để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập trên các cầu vượt, ném đá vào các phương tiện đang lưu thông trên tuyến, VIDIFI đã bố trí hệ thống camera giám sát và loa điều khiển từ Trung tâm điều hành cao tốc.
Khi phát hiện có hành vi tụ tập, Trung tâm điều hành sẽ điều khiển hệ thống loa phóng thanh, phát các thông tin tuyên truyền, cảnh báo, yêu cầu đám đông di chuyển, đến nay tình trạng ném đá đã được ngăn chặn triệt để", lãnh đạo Phòng Kỹ thuật-Công nghệ Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho biết.
Cùng với đó, những sự cố giao thông trên cao tốc như: xe tai nạn, nổ lốp, chết máy... đều được Trung tâm điều hành phát hiện và có phương án xử lý kịp thời hướng dẫn hỗ trợ người tham gia giao thông, điều độ lực lượng tuần đường phong tỏa, đảm bảo giao thông an toàn.
Bên cạnh đó, các hành vi mất an toàn giao thông như xe khách dừng đỗ trên đường, các xe đi ngược chiều… cũng được Trung tâm điều hành giao thông ghi nhận lại bằng việc thu thập các video, hình ảnh vi phạm, cung cấp cho Cục CSGT C08 để làm căn cứ phạt nguội; cùng đó, đưa thông tin các vụ việc điển hình lên cổng thông tin điện tử.
Từ đó, tăng tính răn đe, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến.
Thông tin kịp thời tình trạng giao thông trên tuyến đến các chủ phương tiện
VIDIFI cho biết thêm, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn được trang bị hệ thống biển báo thông tin điện tử (VMS) gồm 8 biển báo được bố trí dọc tuyến, có thể cập nhật nội dung liên tục. Các biển báo này giúp chuyển tải nhanh chóng thông tin về tình trạng tuyến đường, thời tiết, an toàn giao thông... đến lái xe.
Ngoài ra, dọc tuyến được bố trí 12 điểm giám sát bằng camera dò xe được đặt tại các vị trí có mật độ lưu lượng giao thông lớn, có thể tự động phát hiện mật độ xe dòng xe, tắc nghẽn hoặc có sự cố, tự động gửi cảnh báo kịp thời lên hệ thống biển báo VMS, kịp thời cảnh báo đến các phương tiện tham gia giao thông trên đường.
"Việc đầu tư hệ thống giao thông thông minh bài bản, đồng bộ có ý nghĩa quan trọng và cần thiết góp phần quản lý giao thông hiệu quả, đồng thời, hỗ trợ đắc lực trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giảm tai nạn giao thông, nâng cao năng lực lưu thông trên tuyến", một chuyên gia giao thông nhìn nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận