Nhiều nhà đầu tư mất tiền oan khi trót mua cổ phiếu của các công ty “lãi thành lỗ” |
Nhiều nhà đầu tư không khỏi “choáng” với tình trạng báo cáo tài chính bán niên 2017 của không ít công ty niêm yết đang lãi thành lỗ, lỗ nhẹ thành lỗ nặng sau khi kiểm toán vào cuộc khiến họ mất tiền oan.
Che dấu tình hình bi đát, lãi thành lỗ
Nhà đầu tư của Công ty cổ phần (CTCP) nước giải khát Chương Dương (SCD) hết sức bất ngờ và thất vọng vì báo cáo tài chính soát xét (sau kiểm toán) bán niên 2017 cho kết quả lỗ hơn 3 tỷ đồng, thay vì lãi 3,8 tỷ đồng như công ty công bố trước đó. Mức chênh lệch gần 180 độ này bắt nguồn từ doanh thu thuần được công ty kiểm toán giảm từ 178 tỷ đồng xuống 153 tỷ đồng.
SCD cho biết, việc giảm doanh thu là do nhà phân phối/đại lý chưa thanh toán đúng hạn kể từ ngày công ty xuất hóa đơn bán hàng. Vì doanh thu giảm nên lợi nhuận gộp theo đó chỉ ở mức 42 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm từ 12 tỷ đồng về còn khoảng 5 tỷ đồng. Thậm chí, vốn chủ sở hữu của công ty đã hao tới 7 tỷ đồng. Không những thế, kiểm toán viên còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc công ty không ghi nhận khoản dự phòng trợ cấp thôi việc cho nhân viên. Nếu trích lập dự phòng khoản này khoảng 9 tỷ đồng, thì lợi nhuận của công ty còn giảm sâu hơn nữa.
Sau soát xét 6 tháng đầu năm 2017, nhiều công ty chủ yếu bị điều chỉnh tăng lỗ, riêng Sabeco là một trong số ít các doanh nghiệp được chỉnh lãi thêm gần 142 tỷ đồng, từ 2.425 tỷ đồng lên hơn 2.566,7 tỷ đồng. |
Cổ đông của CTCP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) tăng thêm thất vọng khi lỗ ròng của PPI tăng mạnh sau báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2017 lên gần 15 tỷ đồng thay vì 2,6 tỷ đồng như báo cáo tài chính công ty tự lập. Điều này kéo theo lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ vỏn vẹn 1,51 tỷ đồng thay vì 13,73 tỷ đồng. Với diễn biến này, các cổ đông lo lắng công ty khó đạt được mục tiêu doanh thu thuần 402,36 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 29 tỷ đồng năm 2017. Theo giải trình của PPI, công ty lỗ nặng như trên là do phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi (12,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, vốn ngân sách bố trí cho năm 2017 còn chậm nên các công trình, dự án cũng bị chậm lại trong khi công ty vẫn phải chi các khoản như chi phí quản lý doanh nghiệp, dẫn đến thua lỗ.
Tuy nhiên, đáng chú ý là các kết quả sau báo cáo tài chính nói trên đã được “làm đẹp” do PPI đã điều chuyển 26,9 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển về khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Nếu không có việc điều chuyển này, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của PPI âm đến 28 tỷ đồng.
Không thua lỗ nhưng nhà đầu tư vào CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng kém vui vì lợi nhuận sau thuế sau soát xét 6 tháng đầu năm 2017 của NBB cũng giảm 15 tỷ đồng còn 45 tỷ đồng (giảm hơn 25%). Mặc dù doanh thu chung điều chỉnh tăng 2,1 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính giảm 12,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá vốn dịch vụ cũng tăng thêm 2,7 tỷ đồng cùng với lợi nhuận khác giảm 1,2 tỷ đồng. Doanh thu giảm, chi phí tăng khiến lợi nhuận trước thuế NBB giảm hơn 26% còn 43 tỷ đồng, lợi nhuận cũng giảm 25% về 45 tỷ đồng...
Giá lao dốc, cổ phiếu bị kiểm soát
Cổ phiếu (CP) PPI được đưa vào diện cảnh báo từ ngày 5/5 do bị nhắc nhở vi phạm quy định về công bố thông tin 4 lần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm tài chính 2016 âm 37 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất âm 13 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh 6 tháng bi đát, PPI bị giữ nguyên ở diện cảnh báo.
Còn đối với SCD, ngay sau khi công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017, giá CP SCD đã giảm mạnh, từ 40.000 đồng về 30.350 đồng/CP chỉ sau 10 phiên giao dịch. Đặc biệt, trong ba phiên giao dịch gần đây, giá CP SCD “rơi không phanh” tới 23,5%. CP NBB cũng giảm giá ngay sau khi công ty công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét. Công ty đã “bù lấp” bằng thông tin đưa hơn 31 triệu CP phát hành cho cổ đông hiện hữu lên sàn nhưng giá CP NBB cũng không giữ được mức tăng mà trượt dần 16.750 đồng/CP về 16.500 đồng/CP cuối phiên 20/9 khiến nhà đầu tư mất tiền oan.
Nhà đầu tư Trần P.T., trú tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ngày 11/7, thời điểm SCD công bố báo cáo tài chính lãi 3,8 tỷ đồng, chị đã đặt mua 5.000 CP của doanh nghiệp này với giá 41.800 đồng/CP. Nhưng rồi báo cáo soát xét cho kết quả ngược lại, CP SCD giảm mạnh, nhà đầu tư đua bán, chị T. rút không kịp. “Tính đến nay, mỗi CP SCD của tôi đã mất 11.450 đồng, tổng lỗ cho khoản đầu tư 5.000 CP tới hơn 57 triệu đồng tính đến nay và chưa biết có tiếp tục mất thêm không”, chị T. nói.
Đây không phải lần đầu nhà đầu tư phải nếm trải tình cảnh các công ty chuyển lãi thành lỗ, hay lỗ thành lỗ nặng hơn sau kiểm toán. Điều đáng nói, mức chênh lệch lãi – lỗ ở một số công ty niêm yết từ vài trăm triệu đồng tới vài tỷ đồng, nhưng có công ty chênh lệch tới cả trăm tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ hay vốn chủ sở hữu của một công ty nhỏ. Nếu những công ty nhỏ có chênh lệch lớn như trên sẽ dẫn tới phá sản. Đơn cử như CTCP Hùng Vương (HVG), số lỗ sau soát xét bán niên tăng thêm tới hơn 140 tỷ đồng. Và đây không phải là lần đầu HVG công bố báo cáo tài chính có chênh lệch trước - sau kiểm toán. Năm ngoái, HVG cũng ghi nhận lỗ ròng hơn 49 tỷ đồng thay vì lãi hơn 308 tỷ đồng tự lập. HVG cũng bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/6/2017.
Tương tự, CTCP Địa ốc dầu khí (PVL), lỗ tăng tới 124 tỷ đồng sau soát xét, từ 4 tỷ đồng lên 128 tỷ đồng, lũy kế lỗ 300 tỷ đồng. Kiểm toán cũng điều chỉnh tổng tài sản của PVL giảm gần 440 tỷ đồng so với hồi đầu năm nay về 614 tỷ đồng. Liên tiếp hai phiên ngay trong ngày công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét, giá CP của PVL cũng giảm mạnh từ 3.400 đồng/CP về 3.000 đồng/CP và vẫn đang duy trì mức giá ở vùng thấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận