Lừa đảo qua mạng nở rộ ngày cuối năm
Làm công việc bán hàng online, chị H. (trú Hải Dương) coi những ngày cuối năm, giáp Tết là "mùa làm ăn".
Với mong muốn tăng thêm doanh số, nên khi thấy có tài khoản Facebook quảng cáo chuyên cung cấp các dịch vụ như tăng like, tăng follow, comment… chị H. đã đăng ký mua 2 gói dịch vụ làm tăng lượng người theo dõi trên trang Facebook cá nhân của mình với tổng trị giá 850 nghìn đồng.
Một nhóm đối tượng người Trung Quốc đến địa bàn TP Lạng Sơn hoạt động lừa đảo qua mạng đã bị lực lượng chức năng địa phương bắt giữ
Sau đó, tài khoản Facebook này lại giới thiệu về gói dịch vụ tăng tương tác bán hàng trị giá 9 triệu đồng/gói, cam kết bán được 50 đơn hàng/ngày, nếu không sẽ hoàn lại tiền. Chị H. đồng ý và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do tài khoản Facebook cung cấp.
Sau khi chuyển tiền, chị H. không thấy tăng lượt người theo dõi trên trang Facebook, số đơn hàng bán được cũng không được như cam kết. Chị chất vấn thì tài khoản này nêu loạt lý do như "chạy cháy tương tác, do tài khoản quảng cáo bị khóa hay do chạy lỗi phải chạy lại…" để yêu cầu chị H. tiếp tục chuyển tiền mua thêm các gói dịch vụ mới tăng tương tác và xác nhận tích xanh Facebook.
Nuôi hi vọng về việc sở hữu một tài khoản Facebook với lượng like và follow khủng, thuận lợi cho việc kinh doanh online, chỉ trong thời gian ngắn, chị H. đã tin tưởng và liên tiếp chuyển vào tài khoản cho đối tượng chưa từng 1 lần gặp mặt tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng.
Còn chị V., trú ở TP Nam Định xem trên mạng Internet, thấy trang quảng cáo hỗ trợ vay lãi suất thấp của 1 công ty tài chính nên nhắn tin liên hệ vay 40 triệu đồng. Sau đó, có 1 nick zalo liên hệ, nhắn tin tư vấn, hướng dẫn chị làm thủ tục. Rồi có 1 người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty tài chính, liên lạc với chị qua zalo để tiếp tục làm thủ tục.
Ngày hôm sau, đối tượng nhắn tin yêu cầu chị chuyển 6 triệu đồng vào 1 tài khoản lạ để gọi là phí làm thủ tục. Khi chị chuyển tiền xong, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm 12 triệu đồng thì mới được giải ngân 40 triệu đồng. Khi giải ngân, đối tượng sẽ trả lại đủ số tiền mà chị đã chuyển trước.
Chị V. lại tiếp tục chuyển đủ số tiền đối tượng yêu cầu. Tuy nhiên, 5 ngày sau, chị vẫn không nhận được số tiền đề nghị vay. Chị đến cơ quan công an trình báo với nỗi buồn trĩu nặng vì đã mất 18 triệu đồng.
16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng
Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.
Thống kê hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Biểu đồ thống kê các hình thức lừa đảo
Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, nhưng có thể phân làm 3 nhóm chính:
Giả mạo thương hiệu: chiếm 72,6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính,…) .
Chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo,..): chiếm 11,4.
Các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay,..): chiếm 16%.
Theo Cục An toàn thông tin, riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, cụ thể:
Nhóm 1: Giả mạo thương hiệu của các Tổ chức (ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân; Giả mạo các trang web/blog chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn,…) tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.
Nhóm 2: Chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…
Các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen xuất hiện trên các trang web, gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo. Nạn nhân sẽ biến thành những con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không biết.
Nhóm 3: Các hình thức kết hợp như sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ….) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông … để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết.
Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng xấu thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS.
Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin. Để câu views, câu likes và sau đấy là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo… Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook (bán hàng giả, chất lượng kém, vé máy bay giả, khuyến mãi giả, hàng ảo hoặc rao bán giả mạo không tồn tại sản phẩm.
Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư. Chẳng hạn như lừa chiếm đoạt tài sản bằng cách chờ trực trên các Fanpage có tích xanh, Fanpage của người nổi tiếng trên mạng xã hội để nhắn riêng với nạn nhân đóng giả là nhân viên, trợ lý.
Bẫy tình, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram.
Lừa đảo cài cắm mã độc thông qua đường dẫn độc hại, phần mềm độc hại (tiện ích mở rộng cho trình duyệt, phần mềm bẻ khóa - crack). Đối tượng tạo những công cụ, đường dẫn, phần mềm độc hại để chiếm đoạt tài sản, thông tin tài khoản mạng xã hội, ngân hàng thông qua tiếp cận nạn nhân từ chạy quảng cáo đường link độc hại, phát tán mã độc, phần mềm độc hại qua Facebook, Telegram, Google Search, Google Play Store, Apple’s App Store và email.
Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo.
Thủ đoạn nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản.
Giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe doạ lừa tiền nạn nhân.
Lập sàn đầu tư tiền ảo crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex… lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận