Từ năm 2017 tới nay, rất nhiều dự án điện mặt trời được triển khai nhờ giá mua điện hấp dẫn
Bao hào hứng của nhà đầu tư khi xuống tiền vào điện mặt trời trong 2 năm qua đang nhường chỗ cho những lo âu khi điện không bán được.
Chưa bao giờ nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế giảm mạnh như vừa qua. Thông tin Điện lực Việt Nam cắt giảm năng suất điện năng lượng tái tạo khiến dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có cả sự bất bình.
Các nhà đầu tư điện mặt trời than thống thiết trên báo chí.
Có điều gì bất thường ở đây? Thừa điện - điều lâu nay chỉ có trong mơ, thì phải cắt giảm thủy điện, nhiệt điện vốn được xem là thủ phạm tác động môi trường, sao lại cắt giảm điện sạch?
Hãy tìm lời giải cho câu hỏi này.
Tính ở thời điểm những ngày đầu tiên của năm mới 2021, điện mặt trời nói riêng đã chiếm tỷ trọng gần 24% công suất cả hệ thống. Nếu tính chung năng lượng tái tạo (NLTT - gồm điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối) thì tỷ trọng này là xấp xỉ 25%.
Dù chiếm tỷ trọng lớn về công suất nhưng sản lượng điện mặt trời lại chỉ chiếm con số rất khiêm tốn trong tổng sản lượng cung cấp cho nền kinh tế. Cụ thể là gần 12 tỷ kWh trong tổng số 216 tỷ kWh điện thương phẩm của năm 2020.
Bởi lẽ điện mặt trời phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và mặt trời thì không chiếu sáng cả ngày.
Xét thuần túy về mặt kỹ thuật, Việt Nam không thể chờ trông hoàn toàn vào nguồn NLTT khi các dự án điện mặt trời lớn nhỏ hiện có hầu như chỉ đầu tư vào sản xuất điện chứ không đầu tư các hệ thống pin lưu trữ để cấp điện nhanh chóng khi mây che, mưa giông đột ngột hay bức xạ giảm, dẫn tới giảm nguồn cung.
Để bù đắp, sẽ cần các nguồn khác hỗ trợ như nhiệt điện tuabin khí (mất 30 phút khởi động), nhiệt điện than mất từ 8-15 tiếng khởi động.
Điều này sẽ khiến hệ thống điện hiện tại có khả năng rã lưới và mất điện trên diện rộng.
Chưa kể, nếu liên tục dừng máy - khởi động lại - dừng máy thì tuổi thọ thiết bị ảnh hưởng, có thể không phát được điện khi cần.
Còn một bất cập nữa, đó là, đầu tư điện mặt trời đang tập trung tại các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ của các địa phương này không lớn, nên phải truyền tải điện về TP HCM, Đông Nam bộ hay Hà Nội mới có người dùng.
Muốn truyền tải cần đường dây và 3-5 năm đầu tư hạ tầng trong khi các dự án điện mặt trời chỉ cần 4-6 tháng đã thi công xong và phát điện.
Xét về mặt kinh tế, giá mua điện mặt trời đa phần đang ở 8,38 - 9,35 UScent/kWh và kéo dài trong 20 năm, còn với điện gió là từ 8,5-9,8 UScent/kWh, chưa tính chi phí truyền tải và phân phối điện đến tay người tiêu dùng, đều cao hơn mức giá bán bán lẻ điện bình quân của hệ thống đang ở xấp xỉ 8 UScent/kWh.
Nghĩa là càng mua nhiều NLTT thì giá thành sản xuất điện của hệ thống càng cao. Về logic thì chi phí này sẽ phải chuyển sang người tiêu dùng gánh chứ chả có doanh nghiệp hay Nhà nước bù lỗ được.
Nhưng nói đi thì phải nói lại, khi nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế giảm mạnh bởi dịch bệnh, các nguồn cung cấp điện điều phải giảm năng suất không riêng gì điện mặt trời.
Thống kê từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho thấy, vào trưa ngày 1/1/2021, nhu cầu dùng điện của hệ thống được ghi nhận chỉ là 16.585 MW so với gần 68.000 MW công suất đặt của toàn hệ thống.
Con số này xấp xỉ bằng công suất của điện mặt trời cả nước hiện có.
Mong muốn cắt các nguồn điện khác để tăng mua điện sạch của nhiều người dù chính đáng nhưng xét về tổng thể là không thể làm được ngay như đã phân tích trên. Bởi vậy, các nhà đầu tư buộc phải chấp nhận không thể bán được điện như kỳ vọng.
Có tình trạng hôm nay, có lỗi từ việc bổ sung vội vã và đột biến các nguồn điện mặt trời lớn vào quy hoạch điện hiện hành khi chưa có các nghiên cứu cụ thể.
Sự bùng nổ đầu tư điện mặt trời nói riêng và NLTT nói chung có được là nhờ cơ chế giá mua điện khá hấp dẫn từ tháng 4/2017 tới nay.
Lại thêm quy định đối với đầu tư điện mặt trời áp mái nhà gần như không có ràng buộc gì trong khi giá bán điện cao, khiến lưới điện hạ áp phải đối mặt với những nguy cơ mới phát sinh trong vận hành nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật cho hệ thống lẫn quyền lợi của người dùng điện.
Đã có rất nhiều cảnh báo và khuyến nghị về mặt kỹ thuật từ phía vận hành hệ thống được trình lên các cơ quan quản lý trong thời gian qua khi nhiều dự án điện mặt trời được phê duyệt.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những khuyến nghị này chưa được lắng nghe.
Cái gì thừa hoặc không phù hợp đương nhiên sẽ “ế”, kéo theo những dự án “mếu dở, khóc dở” của nhiều doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận