Dữ liệu trên trang theo dõi máy bay Flight Radar cho thấy, chiếc Boeing 767 khởi hành từ Zurich đi Chicago đã bay được khoảng 800km giữa vùng biển Đại Tây Dương, trước khi quay đầu và hạ cánh xuống Ireland.
Sau khi hạ cánh xuống nước thứ ba, các kỹ sư đã đưa thành công máy tính xách tay ra khỏi ghế. Tuy nhiên lúc này một vấn đề khác nảy sinh, khi thời gian làm việc tối đa cho phép của phi hành đoàn đã đạt đến ngưỡng tối đa, không thể tiếp tục hành trình đưa 157 hành khách đi tiếp đến Chicago.
Đồng nghĩa, toàn bộ hành khách đã bị mắc kẹt lại tại một sân bay thứ ba. Hãng bay United Airlines đã phải cung cấp khách sạn và sắp xếp một chuyến bay mới đến Chicago vào ngày 19/5 từ sân bay Shannon của Ireland.
Chia sẻ với báo giới, đại diện hãng hàng không cho biết việc chuyển hướng chuyến bay trên nhằm “giải quyết rủi ro an toàn tiềm ẩn do máy tính xách tay bị kẹt tại vị trí không thể tiếp cận”.
Các hành khách cuối cùng cũng được đặt chân đến Chicago (Mỹ) sau hơn 24 giờ kể từ khi cất cánh ở Zurich, trong khi thông thường chỉ mất chưa đến 10 giờ để hoàn thành chuyến bay này.
Thực tế, máy tính xách tay hoặc điện thoại có thể gây rủi ro về an toàn do pin lithium trong các thiết bị này dễ bắt lửa, không thể dập tắt bằng nước. Do đó nếu tiếp tục bay qua Đại Tây Dương và chẳng may chiếc máy tính xách tay bị mắc kẹt bốc cháy, sẽ không có địa điểm thuận lợi nào cho máy bay hạ cánh.
Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang đã cấm lưu giữ các thiết bị có pin lithium như sạc dự phòng, máy tính xách tay... trong hành lý ký gửi và phải để cùng hành lý xách tay.
Vào tháng 3 vừa qua, chuyến bay của Breeze Airways khởi hành từ Los Angeles đến Pittsburgh đã phải hạ cánh khẩn cấp do máy tính xách tay của một hành khách bốc cháy, khói lan dữ dội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận