Máy bay siêu thanh di chuyển từ New York - London mất 11 phút. |
Kỹ sư, nhà thiết kế máy bay người Canada - Charles Bombardier vừa công bố thiết kế máy bay mới tự vượt kỷ lục “siêu phẩm” máy bay siêu thanh Skreemr từng “làm mưa, làm gió” với tốc độ bay 12.348 km/h của chính mình.
Về lý thuyết, thiết kế mới mang tên Antipode chở 10 hành khách, có thể bay với tốc độ 20.000 km/h. Với tốc độ này, thời gian bay từ New York (Mỹ) đến London (Anh) là 11 phút cho hành trình 5.567 km, từ New York đến Thượng Hải (Trung Quốc) là 24 phút cho hành trình 11.872 km và từ New York đến Sydney (Australia) là 32 phút cho hành trình 16.007 km.
Ông Bombardier chia sẻ: Tham vọng của tôi là “thiết kế một chiếc máy bay có thể bay càng nhanh càng tốt”. Để làm được điều này, mỗi cánh của Antipode được gắn tên lửa đẩy. Bên cạnh đó, Antipode sử dụng nguồn năng lượng từ scramjet (động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm) - có thể tổng hợp được oxy cho quá trình đốt cháy từ môi trường không khí xung quanh mà không cần phải mang bình oxy.
Hơn nữa, “đàn em” Antipode có thể khắc phục nhiều nhược điểm lớn của “đàn anh” Skreemr. Thách thức lớn nhất đó là nhiệt. Bất cứ vật thể bay với tốc độ Mach 5 (6.174 km/h - gấp 5 vận tốc âm thanh), ma sát với không khí tạo nhiệt 9800C; Trong khi các loại vật liệu làm máy bay hiện nay chưa đủ để chịu đựng độ nhiệt này.
Tiếp đó, loại máy bay này cũng gây tiếng ồn rất lớn, đe dọa môi trường khu vực dân sinh. Với Antipode, ông Bombardier đã tìm thấy một giải pháp cho cả hai vấn đề. Sau khi tham vấn với kỹ sư Joseph Hazeltine đến từ Tập đoàn Wyle - cung cấp kỹ thuật cho cả NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Bombardier tìm ra giải pháp sử dụng kỹ thuật khí động lực học mang tên Long Penetration Mode (LPM), dẫn không khí dọc theo máy bay thông qua khe hở ở mặt trước đến phần cánh và mũi máy bay. Tại đây, không khí được làm mát và tiếng ồn bị triệt tiêu.
Dù tự tin nhưng bản thân nhà thiết kế người Canada cũng khẳng định, thiết kế này sẽ phải mất hàng thập kỷ nữa mới có thể trở thành hiện thực. “Tất cả chỉ là ý tưởng. Tôi chia sẻ ý tưởng để mở ra cánh cửa cho các nhà thiết kế khác phát triển”, ông Bombardier khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận