Chất lượng sống

Máy chụp cắt lớp vi tính 256 dãy, đắt có xắt ra miếng?

21/11/2017, 09:00

Giá chụp cắt lớp vi tính 256 dãy rất đắt nhưng người bệnh vẫn xếp hàng, giá cũng mỗi viện mỗi khác.

14

Bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính 256 dãy - Ảnh: Tạ Tôn

Máy chụp 256 dãy được đánh giá là loại máy hiện đại trợ giúp đắc lực cho công tác chẩn đoán hình ảnh, xác định bệnh. Tuy nhiên, loại máy này trong một số bệnh viện hầu hết được đầu tư theo hình thức xã hội hóa nên giá sử dụng có sự chênh lệch và khá đắt.

Mỗi viện một giá

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Thanh T. (Ba Đình, Hà Nội), do có nhu cầu tầm soát ung thư nên anh được tư vấn chụp cắt lớp vi tính 256 dãy. Tuy nhiên, cùng là cơ sở y tế công lập nhưng mỗi nơi có giá khác nhau. Cụ thể, tại Bệnh viện Bạch Mai, chi phí cho chụp cắt lớp vi tính 256 dãy toàn thân có giá khoảng 6,6 triệu đồng/lần; tại BV Hữu nghị có giá khoảng 8,6 triệu đồng/lần.

Lý giải sự khác biệt này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Do đây là máy được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, nên giá thành được xây dựng trên đủ chi phí và một phần tích lũy. Theo đó, 8 yếu tố cấu thành giá gồm: Chi phí khấu hao máy, bảo trì, bảo dưỡng, vật tư tiêu hao, nhân sự, điện nước, xử lý rác thải, quản lý gián tiếp, chuyển giao kỹ thuật, nộp thuế… Đó là lý do vì sao mỗi viện lại có một giá khác nhau”.

Ông Hiền cho biết thêm, đối với bệnh nhân có thẻ BHYT nếu dùng máy xã hội hóa bệnh viện phải giải thích cho bệnh nhân trước khi thực hiện dịch vụ. Theo đó, bệnh nhân sẽ được BHXH trả theo giá Nhà nước quy định, còn phần chênh lệch phải tự chi trả. “Bệnh nhân có quyền từ chối không chụp nếu không thích. BV có máy thấp hơn như 56 dãy, 128 dãy, tuy nhiên cũng có một số trường hợp được chỉ định phải dùng đến máy chụp cắt lớp 256 dãy”, ông Hiền cho biết.

Hạn chế trong chỉ định chụp cắt lớp vi tính 256 dãy

Theo GS. TS. Phạm Minh Thông, Phó giám đốc BV Bạch Mai, kiêm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, máy chụp cắt lớp vi tính 256 dãy với tốc độ 0,28 giây cho một vòng quay, có ưu điểm thời gian cắt rất nhanh, số dãy cắt nhiều trong một lần cắt, chất lượng hình ảnh tốt. Loại máy thường chỉ định trong trường hợp cần cắt nhanh. Ở nước ngoài, việc chỉ định dùng máy chụp này rất rộng rãi. Tuy nhiên, ở nước ta chi phí dùng máy cao nên việc chỉ định rất hạn chế. Thường chỉ định trong chụp mạch vành tim ở người có nhịp tim cao, trên 70 lần/phút và không dùng được thuốc hạ nhịp tim. “Thực tế, máy thấp hơn vẫn có thể chụp được nhưng buộc bệnh nhân phải dùng thuốc hạ nhịp tim. Trong khi đó, những máy từ 256 dãy hoàn toàn không cần dùng thuốc này mà vẫn chụp được. Tại BV Bạch Mai, loại máy này có thể chụp được ngay cả khi nhịp tim lên đến 120 nhịp/phút, vẫn cho kết quả phim đạt chất lượng chẩn đoán. Vì vậy, máy được ưu tiên hàng đầu chỉ định chụp cho những người có mạch tim nhanh và hoàn toàn không thể dùng thuốc hạ nhịp tim, ví như với những người già yếu, có tiền sử không dùng được thuốc hạ nhịp tim hay trẻ nhỏ…”, GS. Thông dẫn giải.

Ngoài ra, máy chụp 256 dãy này còn có thể làm nhiều nghiên cứu chuyên sâu khác như nghiên cứu về bệnh lý khớp, nhất là bệnh gout, tái tạo khớp... “Đây là loại máy hiện đại có thể chụp nhiều bệnh lý khác cho kết quả rất tốt, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là chụp mạch vành tim. Do vậy, ở BV Bạch Mai hầu hết chỉ định dùng loại máy này đều chụp mạch vành tim, còn với các bệnh lý khác, sẽ phục vụ cho những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ”, BS. Thông nói.

Với nhu cầu tầm soát ung thư, BS. Thông cho rằng, máy chụp 128 dãy cũng làm được nên hạn chế chỉ định với máy 256 dãy. Tuy nhiên, riêng với tầm soát ung thư phổi thì hiệu quả của máy 256 dãy mang lại rất cao. Bởi, kết quả chụp bằng máy 256 dãy có thể phát hiện tổn thương dưới 5mm, thậm chí 3mm, trong khi chụp XQ, thường tổn thương phải 5mm mới thấy được, khi đó chẩn đoán ung thư là khá muộn. “Do vậy, nên dùng tầm soát ung thư phổi với người có nguy cơ cao. Còn với một số tầm soát ung thư như vùng bụng, ruột hay vú… hoàn toàn có thể tầm soát bằng phương pháp siêu âm, chụp XQ hay nội soi với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Chỉ khi có dấu hiệu nghi ngờ mới nên chụp CT tầm soát ung thư”, BS. Thông khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.