Đại Nghĩa trong ngày khánh thành cây cầu An Lạc thứ 28. |
Người đi xây cầu, đào giếng
Mọi chuyện bắt đầu từ 4 năm trước, khi Đại Nghĩa bỏ tiền túi làm hai cầu nông thôn. Một năm sau đó, năm 2013, khi anh tham gia chương trình Gương mặt thân quen với số tiền thưởng của 3 tuần đạt giải Nhất, Đại Nghĩa dắt túi đi làm thêm hai cầu khác. Bốn cây cầu được xây xong, nhiều người thấy anh làm việc ý nghĩa, cũng chung của chung lòng làm cùng anh.
Mỗi cây cầu đều có tên An Lạc và đánh số thứ tự, cho đến thời điểm này, anh đã kêu gọi được 41 cây cầu An Lạc, 271 giếng nước An Vui và 11 ngôi nhà An Bình cùng một số con đường như đường ở xã Rạch Chèo, huyện Tân Phú, Cà Mau; Con đường ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang (Long Khánh, Đồng Nai). Được biết, trung bình mỗi cây cầu được xây dựng với giá từ 100-200 triệu đồng tùy kích cỡ. Mỗi giếng nước An Vui được đào với giá khoảng 4 triệu đồng.
Thế nên, Đại Nghĩa cùng mọi người đã thành lập 7 quỹ từ thiện thường xuyên gồm: Xây cầu đào giếng; Đắp đường; Xây nhà; Phương tiện mưu sinh; Khuyến học; Chữa bệnh cứu người; Xây chùa, và 2 quỹ không thường xuyên là: Phật Quang và Miền Trung. Những quỹ này là do Đại Nghĩa tự thân vận động, có sự hỗ trợ và quyên góp của bạn bè gần xa. Anh chia sẻ: Cầu, đường, trường trại, giếng nước đều là những thứ bà con vùng sâu vùng xa rất cần. Có đến tận nơi mới thấy thương bà con, khi phải đi qua những cây cầu ván chắp vá ọp ẹp, không có thành cầu. Nhiều trẻ em đi học bị té xuống sông rất nguy hiểm. Bà con ở vùng nước mặn, nước lợ cũng rất khát khao có được nước sạch sử dụng, sinh hoạt hàng ngày để bảo đảm sức khỏe.
Đạo diễn Lê Hoàng từng viết: “Đại Nghĩa là một diễn viên gần như vĩ đại”, nghe có phần giật mình nhưng đúng là việc anh làm, người thường khó lòng làm được.
Thong dong giữa đời, bộn bề nghề diễn
Vẽ tranh là một trong những thú vui của Đại Nghĩa để anh cân bằng cuộc sống. |
Đại Nghĩa từng thành danh các vai nội tâm như: Thằng Mõ trong Chuyện làng Ung; Mười Lời trong Nụ cười của biển; vai Lôi Chấn Bảo trong vở Ba người đàn ông họ Lôi Nhất. Trong lĩnh vực hài kịch dành cho thiếu nhi với những vai như “Cá mặt ngu” ngốc nghếch; bướng bỉnh trong Na Tra đại náo thủy cung; Tể tướng lùn Japha vui tính trong vở Một ngày làm vua; Thần khói trong loạt chương trình Ngày xửa ngày xưa... Với anh, sự biến hóa luôn cần thiết để làm mới hình ảnh trong mắt khán giả, thay vì bắt khán giả phải chăm chú lắng nghe mình nói. Nhưng Đại Nghĩa cũng tự nhận mình là một người tham lam.
Anh từng tâm sự muốn trang bị cho mình thật nhiều kĩ năng để không bị bỏ lại bởi những thế hệ đàn em ngày càng thông minh và duyên dáng. Đó cũng là lý do gần đây, anh dần trở nên quen mặt trên các kênh sóng truyền hình với một vai trò MC cho các chương trình: Gương mặt thân quen nhí; Thách thức danh hài; Vừng ơi, mở cửa; Con biết tuốt; Người đi xuyên tường; Bước nhảy hoàn vũ nhí; Song đấu; Biến hóa hoàn hảo; Giọng ải giọng ai;...
Mỗi cây cầu đều có tên An Lạc và đánh số thứ tự, cho đến thời điểm này, Đại Nghĩa đã kêu gọi được 41 cây cầu An Lạc, 271 giếng nước An Vui và 11 ngôi nhà An Bình cùng một số con đường như đường ở xã Rạch Chèo, huyện Tân Phú, Cà Mau; Con đường ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang (Long Khánh, Đồng Nai). |
Trên sân khấu là vậy, song đời thường lại là một Đại Nghĩa thâm trầm và giản dị. “Công việc của tôi bình thường quá bận rộn, náo nhiệt nên khi về nhà tôi thích yên tĩnh. Tôi không cà phê bạn bè bên ngoài, không vũ trường, không quán bar, nhậu nhẹt. Và để cân bằng với cuộc sống quá ồn ào thì về nhà vẽ tranh, chơi đàn, nấu những món ăn mình thích”, anh nói. Rồi những bức tranh anh vẽ bán đấu giá, góp tiền ủng hộ các chương trình thiện nguyện.
Anh tâm sự: “Chưa bao giờ nghĩ rằng, từ những nét vẽ ba dạy khi còn nhỏ lại có thể dùng nó để tạo ra tiền. Nhưng như một cái duyên, Nghĩa cứ cầm cọ rồi vẽ, bao nhiêu bức tranh đã ra đời không nhớ hết. Số tiền tôi bán tranh được đó giờ cũng đã gần 200 triệu đồng. Và đã chuyển làm nhiều đợt vào các công trình. Mọi người mua tranh không hẳn là vì Nghĩa vẽ đẹp, mà vì các bạn xem như cũng góp phần vào các chương trình mà chúng tôi đang làm”.
Đại Nghĩa cứ thế thong dong đi giữa bộn bề showbiz, dù nhiều khi trong mắt thiên hạ kêu anh là “người đời”.
Đại Nghĩa, tên thật Bùi Đại Nghĩa (SN 1978 tại TP HCM). Hiện nay, Đại Nghĩa là diễn viên thuộc biên chế của Sân khấu kịch Idecaf và được đánh giá là một trong những diễn viên nổi bật của sân khấu này. Đại Nghĩa sinh trưởng trong một gia đình có 3 người gồm ba, mẹ và anh trai. Tuy gia đình không có ai đi theo lĩnh vực nghệ thuật nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đại Nghĩa đã có mơ ước trở thành một nghệ sĩ. Năm 1999, Đại Nghĩa tốt nghiệp khoa Diễn viên điện ảnh của trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP HCM |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận