Bà Hoản nén nỗi đau mất con trai, gắng sức chăm sóc hai cháu nội đợi ngày con dâu mãn hạn tù |
Bơ vơ phận con trẻ
Đã hai năm trôi qua, nhưng người dân thôn Cát Dương, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, Hưng Yên vẫn thở dài khi nhắc lại câu chuyện người vợ lực điền An Thị Thêu dùng dây điện siết cổ chồng đến chết. Vụ án đã gây chấn động dư luận thời điểm bấy giờ.
Một ngày cuối thu, chúng tôi theo chân cán bộ Hội Phụ nữ xã Tống Phan, huyện Phù Cừ về thăm gia đình bà Hoàng Thị Hoản ở thôn Cát Dương. Bà Hoản là mẹ của anh Phan Văn Khang (SN 1982, trú tại thôn Cát Dương) - nạn nhân bị người vợ là An Thị Thêu (SN 1986) dùng dây điện siết cổ đến chết. Chị Nguyễn Thị Thà, cán bộ Hội Phụ nữ xã cho hay, đây là một địa chỉ mà Hội Phụ nữ xã vẫn thường xuyên qua lại, giúp đỡ bởi sự khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt của gia đình.
Suốt buổi nói chuyện, bà Hoản nước mắt không ngừng rơi. Chồng hay đau yếu, mẹ chồng già cả, chỉ với 5 sào ruộng, bà tảo tần làm thuê, cuốc mướn nuôi hai người con trai nên người. Năm 2004, anh Khang lập gia đình, bà Hải mừng lắm bởi thấy con dâu mạnh khỏe, hay lam hay làm. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng anh Khang ra thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ thuê cửa hàng để rửa xe và bán nước giải khát. Năm 2005, rồi năm 2008, hai đứa cháu trai lần lượt chào đời, đứa nào cũng bụ bẫm, hay ăn chóng lớn khiến bà càng thêm phấn khởi. Những tưởng người mẹ cơ cực ấy vơi bớt vất vả, lo toan thì tấn bi kịch đổ sập xuống.
“Rạng sáng hôm đó, khi tôi đang ngủ ở nhà thì nhận được điện thoại của con dâu. Cái Thêu bảo thằng Khang đi uống rượu về muộn, khi mở cửa nhà trọ ra thì đã phát hiện thằng Khang chết ngoài cửa từ lúc nào. Tôi ngã quỵ xuống, gọi người thân ra ngay cửa hàng của chúng nó. Ra đến nơi thì thằng Khang đã lạnh cứng từ khi nào. Lúc ấy tôi cũng chả mảy may nghĩ gì, đến khi cơ quan công an thông báo thằng Khang chết vì bị vợ giết, lòng tôi càng tan nát hơn”, bà Hoản nghẹn lời.
Theo cơ quan điều tra, chiều tối 19/9/2014, vợ chồng Thêu có xảy ra cự cãi, anh Khang bỏ đi uống rượu. Đến khoảng 23h20, anh Khang trở về cửa hàng hai vợ chồng thuê tại số 189K2, Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ để ngủ. Sẵn có hơi men trong người nên khi đến nhà, giữa anh Khang và vợ đã xảy ra xích mích, mâu thuẫn. Khang có chửi bới và đánh đập vợ. Vì quá bực tức nên Thêu quay lại tát vào mặt anh Khang và bị anh Khang túm tóc. Lập tức, Thêu xoay người đẩy anh Khang ngã úp mặt xuống chiếc giường gấp kê sát tường nhà. Thêu ngồi đè lên người, dùng dây sạc điện thoại siết cổ chồng đến chết.
Sau đó, Thêu bế anh Khang lên giường, gọi điện cho mẹ chồng và nói với mọi người rằng, đang ngủ thì thấy tiếng động bên ngoài, ra mở cửa thì phát hiện chồng đã chết trước cửa hàng. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định nạn nhân tử vong do bị siết cổ dẫn đến ngạt thở. Thêu bị tuyên án 4,5 năm tù giam.
“Cả hai đứa đều nóng tính, thằng Khang thi thoảng cũng đi uống rượu, to tiếng với vợ, lúc nóng tính cũng có bạt tai vợ. Nhưng chỉ là cãi cọ vụn vặt thế thôi, cãi cọ xong hai đứa lại tập trung làm ăn, nuôi con. Vậy mà trong lúc nóng giận, cái Thêu nỡ sát hại chồng nó. Thế là chỉ trong 1 năm 3 tháng đó, tôi phải lo ba cái tang lớn liền nhau. Ông nhà tôi mất được 7 tháng thì bà mẹ chồng mất, rồi chỉ vài tháng sau đó, thằng Khang cũng theo bố và bà nội về với tiên tổ”, bà Hoản buồn rầu nói.
Chị Thà cũng xác nhận, hai vợ chồng Khang và Thêu đều là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Thi thoảng hai vợ chồng có cãi cọ, chứ thực sự không có mâu thuẫn gì lớn hay dai dẳng cả. Sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, anh Khang mất, Thêu đi tù, bà Hoản một mình xoay sở nuôi hai đứa trẻ, cháu Phan Việt Khánh (SN 2005) và cháu Phan Việt Hòa (SN 2008).
Chỉ tay vào hai đứa trẻ bụ bẫm, to khỏe đang chạy chơi trước sân nhà, bà Hoản thở dài cho hay, hai cháu nhìn bề ngoài khôi ngô thế, nhưng đều chậm phát triển, ngây ngô. “Cháu Khánh lẽ ra năm nay học lớp 6 nhưng giờ chưa đọc thông, viết thạo; Thằng em học lớp 3 nhưng giờ đã biết chữ nào đâu. Thi thoảng tôi cho các cháu ra lớp tý thôi, còn cơ bản các cháu chỉ ở nhà nghịch dại. Con cháu nhà người ta tuổi này đỡ đần được việc nhà rồi, đằng này phải trông nom như trẻ mầm non”, bà Hoản cho biết.
Đối tượng An Thị Thêu khi bị bắt |
Nước mắt chảy xuôi
Vừa lúc, có một phụ nữ đi xe máy vào chào bà Hoản, rồi đặt túi quà nhỏ có gói kẹo, hai vỉ sữa xuống góc giường. Bà Hoản giới thiệu đó là chị gái của Thêu sang thăm bọn trẻ. Người phụ nữ ngại ngần cho biết, từ ngày xảy ra sự việc, bố mẹ chị cũng rất đau lòng. Hồi bố bọn trẻ mất, gia đình chị có sang gặp bà Hoản tạ lỗi, nhưng bà chưa một lần oán trách gia đình họ.
“Lúc đầu hai gia đình gặp nhau cũng gượng gạo, nhưng rồi tôi cũng nói với nhà bên đó, còn nỗi đau nào hơn nỗi đau mẹ mất con, nhưng giờ tôi có làm cách nào con tôi cũng không sống lại được. Nhà bên ấy con rể mất, con gái đi tù, họ cũng đủ đau xót rồi. Con Thêu gọi điện về ngàn lần xin tạ lỗi, tôi cũng nuốt nước mắt vào trong, bảo cố mà cải tạo tốt, được mãn hạn sớm về nuôi con, mẹ già rồi, chả cố mãi mà chăm con chúng mày được…”, bà Hoản nói trong nước mắt.
Ngay thời điểm xảy ra vụ việc, trong tận cùng nỗi đau mất con, bà Hoản đã nén đau xót để viết đơn xin giảm án cho con dâu. Bà Hoản bảo, từ ngày Thêu đi tù, đã ba lần được phép gọi điện về nhà, lần nào cũng chỉ khóc, cầu xin tha thứ và nhờ mẹ già trông nom hai con dại. Những lúc ấy, bà Hoản đều khuyên Thêu cải tạo cho tốt, rồi vội cho Thêu nói 1-2 câu với con. Do hai đứa trẻ không khôn ngoan, bản thân bà Hoản già yếu, mắc bệnh xương khớp, thần kinh… bà cũng chưa có điều kiện cho các cháu đi thăm mẹ trong tù. Bà cũng chỉ nói với hai đứa nhỏ mẹ đi làm ăn xa, vài năm nữa mẹ về.
Ôm hai cháu nội vào lòng, bà Hoản xót xa kể, lúc sinh ra thấy hai đứa trẻ to khỏe, trắng trẻo như thiên thần, bà mừng lắm. Nhưng cả hai đứa chỉ thấy lớn mà không thấy khôn, hồi bố còn sống, mẹ chưa đi tù, có lần bà thấy các con đưa các cháu đi khám bệnh, về nói các cháu bị bệnh não, chậm phát triển. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, giờ bà không có điều kiện đưa hai cháu đi kiểm tra lại sức khỏe, cũng chả đủ sức “đánh vật” đưa hai đứa đến lớp. Hàng ngày, bà dậy sớm nấu nướng, gọi hai đứa trẻ dậy cho ăn rồi khóa trái cổng, cửa để đi làm đồng, làm vườn. Nhưng do lo cho hai cháu nghịch dại nên bà không làm việc liền mạch được như người ta, cứ độ tiếng đồng hồ lại chạy về canh chừng.
“Con dâu tôi đã trót dại cướp đi mạng sống của con trai tôi, nhưng vẫn là mẹ hai đứa cháu tôi. Tôi chỉ mong nó cải tạo tốt, sớm được mãn hạn tù, trở về cùng tôi chăm sóc, chữa bệnh cho hai đứa cháu khờ dại”, bà Hoản nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận