Giáo dục

Mẹ động viên con trai đừng sợ bóng tối và bài học về sự dũng cảm

16/02/2021, 01:00

Tại sao trẻ em luôn sợ bóng tối, có 3 nguyên nhân chính cha mẹ cần phải hiểu để giúp con mình vượt qua nỗi sợ này.

Trên MXH Trung Quốc xuất hiện một đoạn video, theo đó một cậu bé khoảng 7,8 tuổi đối mặt với khoảng không tối đen trong phòng khách và không dám đi vệ sinh một mình. Người mẹ vừa hát sau lưng vừa hô khẩu hiệu cổ vũ, cuối cùng cậu bé cũng lấy hết can đảm chạy ra ngoài, chỉ được 3 giây cậu bé đã bỏ chạy vào phòng lại và bật khóc như mưa. Khi xem cảnh tượng này, nhiều cư dân mạng bày tỏ thái độ đồng cảm, bởi họ lúc nhỏ cũng rơi vào tình trạng tương tự.

img

Trên thực tế, hầu hết trẻ em đều sợ bóng tối, khiến chúng không dám tắt đèn đi ngủ, không đi vệ sinh một mình vào ban đêm, luôn thấy trong bóng tối có một con quái vật đáng sợ.

Tại sao trẻ lại có tâm lý sợ hãi bóng tối như vậy?

1. "Thuyết vật linh" thuở ấu thơ

Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget chỉ ra rằng, trẻ em trong thời thơ ấu, đặc biệt là khi chúng 2-3 tuổi thường thích trò chuyện với những thứ chúng thích như búp bê, chiếc xe đồ chơi. Trẻ coi những món đồ chơi này như một vật sống và giao tiếp mỗi ngày.

Tuy nhiên, "thuyết vật linh" có một nhược điểm là trẻ em thường giàu trí tưởng tượng hơn khi gặp bóng tối, chúng có thể nghĩ mắc áo là quái vật và bóng cây ngoài cửa sổ là phù thủy. Thậm chí trẻ có thể nghĩ rằng, bóng tối có thể nuốt chửng ngón tay của mình, khiến chúng rất sợ hãi khi đêm về.

2. Từng bị người lớn gieo rắc sự sợ hãi

Một số người lớn thích trêu ghẹo, hù dọa trẻ như kiểu “nếu con không ngủ sẽ bị ông kẹ bắt đi”, “con không nghe lời sẽ bị quái vật bắt nhốt”…, kiểu dọa dẫm này khiến trẻ nghĩ rằng, chỉ cần mình tắt điện là những con quái vật đáng sợ xuất hiện. Vì vậy, trẻ rất sợ hãi khi ở một mình trong bóng tối.

img

Chính vì kiểu dọa dẫm này mà nhiều người cho đến khi ngoài 20 tuổi vẫn không dám tắt đèn ngủ một mình.

Cũng có một số cha mẹ thích trừng phạt con bằng cách nhốt vào phòng kín, tắt đèn. Mặc dù cách làm này sẽ khiến trẻ sợ hãi và nghe lời, nhưng lại tạo ra tâm lý nghiêm trọng, khiến chúng trở nên sợ bóng tối. Một số trẻ còn mắc hội chứng sợ không gian kín.

3. Những bộ phim kinh dị

Nếu cha mẹ vô tư cho con mình xem tivi những cảnh bạo lực, máu me, kinh dị trước khi đi ngủ cũng sẽ khiến cho trẻ sợ hãi những thứ có màu đen.

Cha mẹ cần làm gì để trẻ bớt sợ bóng tối và dũng cảm hơn?

Mặc dù người ta nói rằng, sợ bóng tối là điều mà hầu hết trẻ em đều sẽ trải qua, nhưng nếu cha mẹ có thể áp dụng đúng phương pháp, có thể giúp con mình trở nên dũng cảm và bớt sợ bóng tối hơn.

img

- Đừng cố tình rèn luyện lòng dũng cảm của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ đã hiểu sai theo hướng “giáo dục thất vọng”, cho rằng chỉ có tạo thêm khó khăn cho trẻ thì chúng mới có thể mạnh mẽ hơn. Thực tế, “giáo dục thất vọng” là để chỉ khi trẻ gặp khó khăn, chúng ta nên dạy trẻ cách tự đứng lên và vượt qua.

Vì vậy, cha mẹ không nên cố tình rèn luyện lòng dũng cảm của trẻ. Giống như video ở đầu bài viết, cố tình để trẻ bước vào bóng tối một mình, thực tế trẻ rất sợ hãi, chúng không nhận ra bài học gì cả mà còn có khả năng mắc bệnh tâm lý trong tương lai. Cách tốt hơn là mẹ đi cùng trẻ, bật đèn và đợi trẻ ở cửa phòng tắm, để chúng có cảm giác an toàn.

- Sự thấu hiểu và đồng hành

"Không có gì phải sợ" và "Tại sao con lại rụt rè như vậy" là những câu nói chỉ làm tăng cảm giác xấu hổ, khiến trẻ trở nên rụt rè và tự ti.

Tất cả mọi người đều có nỗi sợ của riêng mình, trẻ em cũng vậy. Điều cha mẹ cần làm là hiểu nỗi sợ của con mình, đừng chế nhạo hay ép buộc trẻ làm đúng theo các nguyên tắc mình đặt ra.

Trong trường hợp nếu trẻ không dám ngủ một mình, cha mẹ có thể kể chuyện, đợi trẻ ngủ say rồi mới rời đi. Việc cha mẹ cần làm chính là hình thành cho trẻ cảm giác an toàn, dần dần chúng sẽ cảm thấy bóng tối không khủng khiếp như mình tưởng tượng.

- Trẻ em cần chú ý phân loại khi xem tivi

Việc cho trẻ tiếp xúc với các chương trình trên tivi và internet cần có sự giám sát của cha mẹ. Trong thời thơ ấu, cha mẹ cần tránh cho con mình xem những bộ phim quá bạo lực, kinh dị. Vì còn nhỏ nên trẻ chưa có khả năng phân biệt đâu là thật, đâu là giả, những nội dung này sẽ khiến trẻ tin là thật, thậm chí bắt đầu phát triển trí tưởng tượng phong phú hơn, từ đó sinh ra sợ hãi.

Khi trẻ sợ bóng tối, điều chúng ta phải làm không phải là chế giễu hay mỉa mai mà đứng từ góc độ của trẻ, hiểu tâm trạng, đồng thời quan tâm bằng tình cảm, cùng nhau giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi về bóng tối.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.