Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lô phân bón giả
|
Để đảm bảo nguyên liệu cho các vụ sản xuất, nhiều năm qua, NASU đã nhận cung ứng phân theo hợp đồng với các hộ dân trồng mía với phương thức: Bước vào đầu vụ, Công ty sẽ “bán nợ” phân cho các hộ dân khi đến mùa thu hoạch, nhà máy sẽ khấu trừ vào sản phẩm do người dân bán cho nhà máy. Phía nhà máy cam kết chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng phân bón đúng theo hàm lượng được công bố trên bao bì và trong hợp đồng. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều nông dân, không ít lần họ lâm vào cảnh " dở khóc, dở cười" vì mua phải phân bón giả, kém chất lượng.
Ngày 4/3, từ những nguồn tin nhân dân cung cấp, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, thuộc Chi cục QLTT Nghệ An phối hợp với Công an xã Nghĩa Thắng, Huyện Nghĩa Đàn, kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón của ông Phan Bá Duy tại xóm Tân Phong, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn. Tại đây lực lượng chức năng, phát hiện lô hàng 1.325kg (53 bao loại 25kg/bao) phân bón NPK Mặt Trời 10-5-15 TE dùng bón cho cây mía, do Công ty CP Dịch Vụ nông nghiệp AGRIPRO có địa chỉ 41A Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo, nghi phân bón kém chất lượng.
Người nông dân chịu thiệt hại lớn về kinh tế
|
Tiếp đó, ngày 11/3, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an xã Quỳnh Thắng và công an huyện Quỳnh Lưu, tiến hành kiểm tra cơ sở cung ứng phân bón của NASU, phát hiện lô hàng 12.500kg (500 bao loại 25kg/bao) Phân bón NPK Mặt Trời 10-5-15 TE dùng cho cây mía do công ty CP Dịch vụ nông nghiệp AGRIPRO cũng có mã hàng tương tự lô bắt ngày 4/3, nghi phân bón giả kém chất lượng. Lúc bị bắt, số phân bón này đang được để tại nhà bà Nguyễn Thị Thương (xóm 5 xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Sau khi lấy mẫu gửi đi giám định, QLTT đã lập biên bản niêm phong lô hàng.
Ngày 14/4, Chi cục QLTT Nghệ An chính thức thông tin về kết quả kiểm định của các trung tâm kiểm định về thành phần hàm lượng các chất trong phân bón. Theo đó, các mẫu kiểm định đều cho thấy hàm lượng đạm, lân, ka li trong sản phẩm phân bón hiệu Mặt Trời mà NASU bán cho nông dân Nghệ An đều không đạt hàm lượng so với mức công bố. Nhiều chỉ số ở dưới ngưỡng 50% hàm lượng, cũng có chỉ số chỉ đạt 0,8 – 1%. Vì vậy, khẳng định số phân bón Mặt Trời này là phân bón giả.
Đặc biệt, số phân bón NPK nhãn hiệu Mặt Trời giả đều do Công ty CP dịch vụ nông nghiệp AGRIPRO sản xuất vào ngày 18.1.2016 và được công ty NASU cung ứng cho người dân ở Nghệ An theo hợp đồng trồng mía, với giá khoảng 5,5 triệu đồng/tấn.
Trao đổi với PV Báo Giao Thông về việc xuất hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng do nhà máy mía đường cung cấp cho dân, ông Trần Đăng Ninh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Nghệ An cho biết, ngày 11/4, tại buổi làm việc với Chi cục QLTT Nghệ An, đại diện NASU thừa nhận việc nhập số phân bón giả này và cung ứng cho nông dân trồng mía tại 2 huyện Nghĩa Đàn và Quỳnh Lưu. Công ty NASU cũng nhận toàn bộ trách nhiệm và sẽ không thu tiền với phân bón giả, bồi thường các thiệt hại cho người dân đã bón phân giả do nhà máy cung ứng. Ngoài ra, phía Công ty AGRIPRO cũng đã có văn bản nhận trách nhiệm về lô phân bón mình sản xuất với lý do: "Lỗi trong quá trình sản xuất”.
Tuy nhiên, Báo Giao Thông nhận thấy, trong sự việc phát hiện phân bón giả lần này, khi phát hiện sự việc lực lượng QLTT đã không chủ động công bố rộng rãi để người dân phòng ngừa. Thậm chí, khi Đội QLTT số 6 bắt giữ lô phân bón NPK nhãn hiệu Mặt Trời, lẽ ra phải thông báo rộng rãi để tránh thiệt hại cho người nông dân khi biết đây là lô hàng giả và bàn giao số tang vật này cho cơ quan điều tra mở rộng vụ án, thì đơn vị này lại tổ chức tiêu hủy toàn bộ số phân bón giả nói trên. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ tính minh bạch của vụ việc?
Đặc biệt, khi hỏi về hướng xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, tổ chức đứng ra sản xuất, cung ứng phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại kinh tế cho người dân như thế nào? Thì vị Chi cục trưởng Chi cục QLTT Nghệ An cho biết: "Những vụ phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại ở mức từ 30 triệu đồng trở lên nếu là cá nhân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn việc cung cấp, kinh doanh phân bón giả lần này lại do Công ty NASU thực hiện, luật chưa có quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân này, vì vậy chúng tôi thống nhất chỉ đề xuất phạt hành chính, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự”!?.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận