Bạn cần biết

Miền Bắc lạnh sâu, tăng mạnh bệnh nhân đột quỵ

04/01/2019, 06:54

Cả miền Bắc vẫn đang chìm trong giá lạnh khiến bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính về tim mạch, hô hấp tăng mạnh.

21

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, Hà Nội

Nhập viện vì thể dục sáng sớm

Khoa Cấp cứu của BV T.Ư Quân đội 108 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam  (57 tuổi, nhà ở Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được gia đình đưa đến cấp cứu lúc 2h sáng vì những cơn đau ngực diễn biến nặng dần.

Theo lời kể của gia đình,  bệnh nhân đi bộ tập thể dục lúc 5h sáng 29/12/2018 trong gió lạnh 10-11 độ C, giữa chừng thấy khó chịu, mệt và đau ngực trái âm ỉ nên về sớm hơn thường lệ, nằm nghỉ thấy đỡ hơn. Từ sáng đến tối, tiếp tục thấy có nhiều cơn đau ngực và khó chịu mệt mỏi đến sau 24h đêm không chịu nổi cơn đau thắt tức nặng vùng ngực trái và sau ức, lúc đó bệnh nhân mới chịu để gia đình gọi xe cấp cứu đưa vào BV T.Ư Quân đội 108.

Theo chia sẻ của PGS. TS. Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, BV T.Ư Quân đội 108, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim do tắc cấp tính động mạch vành bên phải. Bệnh nhân ngay lập tức được bác sĩ can thiệp cấp cứu nong và đặt stent động mạch vành. Sự can thiệp kịp thời đã cứu mạng nam bệnh nhân.

Tương tự, BS. Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cũng chia sẻ vừa tiếp nhận nam bệnh nhân được người dân đưa vào cấp cứu do đột quỵ khi đang đi bộ thể dục buổi sáng. “Bệnh nhân này rất may mắn qua cơn nguy kịch khi được những người đi thể dục sớm phát hiện và gọi xe cấp cứu đưa vào viện”, BS. Tôn cho hay.

Theo thống kê của BV T.Ư Quân đội 108, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh các năm tăng từ 15 - 30%. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người tiểu sử bị đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết: “Trong 4 ngày nghỉ lễ, trong tổng số 130 - 140 bệnh nhân cấp cứu được đưa đến khoa mỗi ngày, có 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ, tăng hơn so với ngày thường. Vào các đợt rét, bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10 - 20% so với ngày thường.

Đây là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: Tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ…”.

Lưu ý thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ

Theo phân tích của BS. Mai Duy Tôn, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.

“Ngay việc tập thể dục vốn là một thói quen tốt cho sức khoẻ nhưng trong những ngày giá rét này, nếu mọi người chủ quan dậy sớm, ra ngoài thể dục buổi sáng, sẽ có nguy cơ cao đột quỵ, nhất là với những người già, người có bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu...”, ông Tôn cho hay, đồng thời khuyến cáo, mọi người nên thay đổi môi trường tập luyện, thay vì bên ngoài trời có thể tập trong nhà kín gió.

Theo ông Tôn, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu điều trị trong thời gian vàng so với năm trước có tăng nhưng cũng chỉ ở mức 3,5% trên tổng số gần 7 nghìn bệnh nhân nhập viện. Cũng theo khuyến cáo của ông Tôn, cần lưu ý nếu có một trong những dấu hiệu như nói ngọng, liệt mặt (méo miệng), liệt nửa người, đau đầu đột ngột, chóng mặt, mất thị lực đột ngột… thì cần gọi ngay cấp cứu 115. “Với đột quỵ, thời gian vàng để xử trí có thể kéo dài từ 4,5-6 giờ nhưng hiệu quả nhất là trong 3 giờ đầu tiên. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi được”, ông Tôn cho hay.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trong những ngày rét đậm, người có tiền sử bệnh mạn tính như: Tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, nhất là với người già cần phải giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, tránh ra ngoài môi trường thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi tắm phải đảm bảo phòng tắm đủ ấm, kín gió, cần trang bị các thiết bị sưởi ấm để tránh nhiễm lạnh; sau khi tắm phải mặc ấm ngay trước khi ra khỏi phòng tắm…

Đồng thời, người già mắc bệnh mạn tính cần phải dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, kiểm tra huyết áp thường xuyên và đi khám định kỳ. Bên cạnh đó, phải đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhất là bổ sung đầy đủ vi lượng, vitamin để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, có sức chống chịu trong những ngày trời lạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.