Kỳ 1: Những con đường, cây cầu đánh thức tiềm năng
Kỳ cuối: Hút đầu tư, phát triển du lịch
Hạ tầng giao thông thuận lợi, cơ sở để đầu tư phát triển
Có dịp về huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang những ngày này, PV ghi nhận nhiều dự án xây dựng đường giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành.
Những tuyến đường này được quy hoạch, xây dựng trên cơ sở dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành, thu phí từ tháng 2/2020 theo hình thức BOT.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thúc đẩy nhanh hình thành các khu công nghiệp, giảm chi phí logistics, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại Bắc Giang (Trong ảnh: Khu công nghiệp Vân Trung). Ảnh: Danh Lam
Ông Thân Hải Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang thông tin: Sau khi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và hạng mục nâng cấp QL1A hoàn thành, toàn huyện còn triển khai thực hiện 84 đồ án quy hoạch với tổng diện tích 3.563ha.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã hoàn thành phê duyệt 40 đồ án với diện tích 1.593ha; các đồ án còn lại đang hoàn thiện và trình phê duyệt theo quy định.
Huyện cũng triển khai thực hiện 183 công trình với tổng mức đầu tư 7.844 tỷ đồng. Trong đó, có gần 20 tuyến đường huyện, tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, những năm qua, trên địa bàn Lạng Giang còn được quy hoạch, xây dựng thêm 6 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp.
Cũng chỉ trong hơn 2 năm qua, Lạng Giang thu hút được 42 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.456 tỷ đồng, sử dụng 350,6ha đất. Hiện các dự án đang tiến hành GPMB, xây dựng nhà xưởng.
“Với những hiệu quả bước đầu, huyện đặt mục tiêu trước năm 2030 sẽ được công nhận là thị xã, trở thành địa phương có nền công nghiệp, dịch vụ phát triển trong khu vực”, ông Nam nói.
Tương tự, những ngày gần đây, UBND huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện công tác GPMB để thực hiện các dự án xây dựng Khu đô thị mới Hữu Lũng, khu tái định cư dân cư xã Hồ Sơn, xã Hòa Thắng và xây dựng nút giao đường cao tốc vào Khu công nghiệp Hữu Lũng với diện tích gần 100ha.
Các dự án này nhằm hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng, vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu với quy mô gần 600ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.361 tỷ đồng.
Đối với các tỉnh vùng Tây Bắc, sau 8 năm đưa vào khai thác, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã trở thành cầu nối huyết mạch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Nhờ có tuyến cao tốc nên lượng khách du lịch đến Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cũng tăng rất nhanh.
Nếu như năm 2013 Lào Cai chỉ thu hút được 700.000 lượt/năm thì đến năm 2022 con số khách du lịch đến với Lào Cai đã tăng lên tới 6,5 triệu người.
Còn ở Yên Bái trong 5 năm trở lại đây đã đón hơn 5,4 triệu lượt khách du lịch; qua đó tạo việc làm cho 7.500 lao động của địa phương.
Vốn đầu tư chảy mạnh về các tỉnh miền núi
Trong 3 năm qua, bức tranh thu hút đầu tư của Lạng Sơn đã thực sự khởi sắc với hàng loạt dự án lớn đang chọn Lạng Sơn làm điểm đến. Đã có 94 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 22.108 tỷ đồng…
Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước Đức, Hàn, Nhật, Trung Quốc.
Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đến đầu tư tại Lạng Sơn như Vin Group, Sun Group, Sovico, APEC, VSHIP và nhiều tập đoàn đang mong muốn được đầu tư như Viglacera, T&T, TH True Milk…
Cùng đó, hàng loạt doanh nghiệp đã lựa chọn Lạng Sơn để “làm tổ”, trong đó có một số dự án với nguồn vốn lớn, hứa hẹn đóng góp rất tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn trong tương lai gần như: Khu đô thị thương mại, căn hộ và shophouse Diamond Park (tổng vốn đầu tư 1.582 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill (tổng vốn đầu tư 460 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến gỗ huyện Lộc Bình (tổng vốn đầu tư 421 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Bản Nầng (tổng vốn đầu tư 838 tỷ đồng), Khu đô thị mới Mai Pha, TP Lạng Sơn (3.380 tỷ đồng)…
Với Bắc Giang, những năm gần đây, bằng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh và T.Ư phân bổ, tỉnh đã đầu tư khoảng 1,7 đến hơn 2 nghìn tỷ đồng/năm để thực hiện các công trình giao thông.
Ngoài ra, tại các huyện, TP trong tỉnh, mỗi năm cũng đầu tư từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông.
Nhờ đó, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trong tỉnh được thi công, giúp kết nối với các tỉnh xung quanh như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương và Lạng Sơn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Bắc Giang vẫn đạt 885 triệu USD, chính thức vượt lên là tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư.
Lũy kế đến nay, tổng số các dự án đầu tư FDI tại Bắc Giang là 336 dự án. Tổng vốn đầu tư đăng ký 8,15 tỷ USD và 17.812 tỷ đồng.
Vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 5,34 tỷ USD và khoảng 7.490 tỷ đồng. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu trong năm 2023 sẽ thu hút đầu tư được khoảng 1,3 tỷ USD.
Trước đó, trong ba năm liên tiếp Bắc Giang luôn đứng trong tốp 10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài góp phần tạo hàng trăm nghìn việc làm, thu nhập cho người dân.
Cũng nhờ có cao tốc Nội Bài - Lào Cai mức thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022 đạt 10.389 tỷ đồng, vượt 25% dự toán Trung ương giao, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,02%, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng và 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so năm 2021.
Ông Nguyễn Thế Phước, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong 2022, thu ngân sách đạt 4.616 tỷ đồng vượt 78,4% dự toán.
Tốc độ tăng GRDP đạt 8,62%, đứng thứ 3/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ. Hệ thống giao thông phát triển là động lực quan trọng đánh thức tiềm năng kinh tế của nhiều vùng, nhiều địa phương trong tỉnh”.
Đặc biệt, trong đầu tư BĐS và hạ tầng du lịch, hiện tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư (đấu giá, đấu thầu) 26 dự án BĐS, tổng vốn đầu tư khoảng 13.400 tỷ đồng.
Tỉnh Yên Bái cũng đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 13.200 tỷ đồng. Đến nay đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 599 dự án với tổng số vốn đăng ký 91.282 tỷ đồng và 382 triệu USD.
Một số tập đoàn lớn như: Vingroup, Sungroup, APEC, BB Group, TH, Euro Window, Hoa Sen, Bảo Lai... đã và đang nghiên cứu cơ hội đầu tư, triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái.
Từ huyện thuần nông đến đi đầu phát triển công nghiệp
Phối cảnh Khu đô thị Hữu Lũng, Lạng Sơn
Bà Dương Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng chia sẻ: Hữu Lũng từ lâu đã được biết đến là địa phương có nhiều thế mạnh về đồi rừng với các sản phẩm chủ lực như na, cây có múi, lâm nghiệp…
Ngay khi đường cao tốc được xây dựng, mặt đường QL1A được nâng cấp, đưa vào khai thác, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành nghị quyết lựa chọn Hữu Lũng là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
Đến nay, huyện đã có 3 cụm công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn.
Toàn huyện phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng, phát triển thêm 9 cụm công nghiệp và 27 khu dân cư, khu đô thị, cơ bản đưa Hữu Lũng trở thành thị xã có công nghiệp, dịch vụ phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận