Người dân đi khắp đất nước không mất tiền
Ngày 29/2/2020, Luxembourg trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới miễn phí hoàn toàn tất cả các phương tiện giao thông công cộng. Ngoại trừ vé hạng nhất, người dân không cần trả bất kỳ khoản tiền nào để đi xe buýt, xe điện hoặc tàu hỏa tại Luxembourg.
Quốc gia châu Âu này mong muốn qua việc cải thiện dịch vụ vận tải và loại bỏ hoàn toàn giá vé, sẽ giảm bớt tắc nghẽn giao thông, cải thiện mục tiêu giảm khí thải.
Bộ trưởng Bộ Vận tải và công trình công cộng Luxembourg Francois Bausch cho biết, chương trình miễn phí giao thông này do ngân sách Nhà nước đảm nhận.
Trong khi đó, theo tờ Guardian, nguồn vốn phục vụ chương trình miễn phí phương tiện công cộng không nhiều, chỉ khoảng 40 triệu euro/năm.
Cũng theo The Guardian, nhìn chung, sau ba năm áp dụng, người dân Luxembourg rất phấn khởi khi được di chuyển tự do trên phương tiện công cộng. Đặc biệt, với những người thất nghiệp hoặc người lao động có thu nhập thấp, việc đi lại miễn phí sẽ tiết kiệm được đáng kể.
Tờ Bloomberg dẫn lời một chủ quán cà phê chỉ cách nhà ga trung tâm thành phố Luxembourg vài phút đi bộ cho biết, qua quan sát của ông, rất nhiều người trẻ tuổi kể cả con trai ông thường xuyên tận dụng phương tiện công cộng để khám phá khắp đất nước.
Marie, 20 tuổi, đang là sinh viên, cũng đồng tình với ý kiến này. Cô nói: "Trước đây, đa phần sinh viên thường đến trường bằng ô tô riêng nhưng bây giờ, người trẻ có thể dễ dàng đi chơi sau giờ học hoặc cuối tuần bằng phương tiện công cộng".
Một yếu tố nữa là hệ thống phương tiện công cộng tại Luxembourg cũng đã được thiết kế để tạo thuận lợi hơn cho người dân.
Theo chia sẻ của một du khách thường xuyên di chuyển tới ga tàu trung tâm ở Luxembourg, các toa xe rất sạch sẽ, hiện đại và tần suất liên tục. Không chỉ vậy, mỗi điểm dừng đều được thông báo rõ ràng và trên một số đường ray, cỏ được trồng để tạo điểm nhấn không gian xanh mát.
Hành khách cũng có thể lên xuống bất cứ điểm dừng nào, không cần đặt vé trước hay loay hoay quẹt thẻ, điện thoại, đưa tiền mặt để mua vé. Từ đó, Luxembourg cũng bỏ khu vực bán vé. "Chính sách này giúp tôi tiết kiệm gần 500 euro mỗi năm", Max, giáo viên 26 tuổi, sống ở Pháp và hằng ngày vẫn di chuyển sang Luxembourg làm việc, chia sẻ.
Vì sao vẫn tắc đường?
Sau ba năm thực thi chương trình, dù tạo ra làn gió mới nhưng Luxembourg chưa thay đổi được tư duy chuộng ô tô.
Ông Frédéric Meys, Giám đốc chiến dịch tại Luxembourg thuộc Tổ chức khí hậu Greenpeace, cho biết: "Nơi đây là một trong những nơi có mật độ phương tiện cao nhất lục địa, gần 700 ô tô/1.000 người. Và tuổi sử dụng trung bình của ô tô khá thấp so với các nước khác ở châu Âu".
Luxembourg cũng có số lượng ô tô hạng sang bình quân đầu người cao nhất châu Âu. Có thể dễ dàng thấy các đại lý bán xe sang như Ferrari, Lamborghini và Bentley có mặt ở khắp mọi nơi. Ông Meys giải thích: "Luxembourg là một quốc gia nhỏ nhưng giàu có. Vì vậy, mọi người chi nhiều tiền vào ô tô".
Thêm vào đó, trong khi các chi phí hàng hóa tiêu dùng cơ bản ở Luxembourg cực kỳ đắt đỏ (một lít bia có giá 7,50 euro), thì giá xăng lại thấp nhất ở Tây Âu.
Mức sống cao, tiện sắm ô tô và giá nhiên liệu rẻ khiến một bộ phận lớn người Luxembourg vẫn chưa mặn mà với phương tiện công cộng.
Ông Damon, một luật sư trẻ sống cách trung tâm thành phố khoảng 25 phút lái xe, cho biết: "Hầu hết những người mà tôi kết giao đều nói việc miễn phí giao thông công cộng không thực sự kích thích họ sử dụng làm phương tiện di chuyển chính. Họ vẫn lái xe đi làm, đặc biệt là những người đã có chỗ đậu xe cố định.
Bên cạnh đó, nếu bạn tan làm vào khoảng 6 hoặc 7 giờ tối, lúc đó tần suất xe buýt thường giảm. Thay vì 10 hoặc 15 phút một chuyến, lúc đó tần suất khoảng 30 phút hoặc 1 giờ/chuyến. Tôi không chắc lúc nào kết thúc công việc nên có thể phải đợi cả tiếng đồng hồ mới có chuyến xe buýt tiếp theo".
Lý do quan trọng khác đó là công quốc này có tỉ lệ lớn lao động sống bên ngoài biên giới.
Bộ trưởng Bộ Vận tải và Công trình công cộng Luxembourg Francois Bausch giải thích: "Do sự phát triển kinh tế và đặc thù xã hội của Luxembourg, chúng tôi có 630.000 dân nhưng có tới 230.000 người mỗi ngày từ Bỉ, Pháp và Đức đến để làm việc, nên vấn đề tắc nghẽn trở nên khủng khiếp".
Nhiều nỗ lực thay đổi thói quen
Người đứng đầu Bộ Vận tải và Công trình công cộng Luxembourg cũng thừa nhận, việc khuyến khích người dân Luxembourg từ bỏ ô tô không hề dễ dàng.
Ông Francois Bausch từng đề xuất một số thay đổi về chính sách và việc miễn phí phương tiện giao thông công cộng là một phần trong kế hoạch này. Ngoài ra, còn nhiều việc cần làm như cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng các tuyến xe lửa mới, nâng cấp nhà ga và đầu máy toa xe, xây dựng thêm các tuyến xe điện mới, thêm làn đường dành cho xe đạp và cải thiện kết nối giữa các phương thức vận tải công cộng khác nhau.
Trước khi triển khai chương trình miễn phí phương tiện giao thông công cộng vào năm 2020, chính phủ cũng đã thực hiện một chiến dịch lớn nhằm thay đổi thói quen của người dân.
Ông Bausch nói: "Bạn phải quảng bá phương tiện giao thông công cộng giống như cách bạn quảng cáo để bán ô tô. Thành công của một chiến dịch PR ô tô không chỉ nằm ở khả năng đi từ A đến B mà còn là khơi gợi thay đổi phong cách sống. Chúng tôi đã và sẽ cố gắng quảng bá phương tiện công cộng theo cách tương tự".
Vào ngày bắt đầu triển khai chương trình miễn phí, các ban nhạc địa phương tới biểu diễn ở nhiều nhà ga và cũng có những buổi hòa nhạc công cộng miễn phí.
Trong kế hoạch phát triển giao thông vận tải của Luxembourg mục tiêu đến năm 2035, có nhiều chiến lược mới để giải quyết triệt để vấn đề tắc nghẽn.
Để hỗ trợ đội ngũ lao động từ nước ngoài đến Luxembourg làm việc, ông Bausch muốn bổ sung thêm 50% ghế ngồi trên các chuyến tàu kết nối với Pháp và tăng tần suất chuyến lên 7 phút/chuyến vào năm 2028.
Ngoài ra, Luxembourg dự kiến đầu tư 225 triệu euro vào hiện đại hóa các tuyến đường sắt của Pháp kết nối với biên giới nước này.
Tuyến xe điện trung tâm Luxembourg cũng đang được mở rộng để kết nối đến sân bay ở Findel. Tất cả xe buýt sẽ chạy bằng điện vào năm 2030.
Bên cạnh đó, thuế carbon đối với xe cơ giới đã được áp dụng vào năm 2020 và đang tăng lên hàng năm. Hiện nay, mức thuế là 30 euros/tấn CO2, dự kiến vào năm 2027 sẽ là 45 euros/tấn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận