Miền Tây ngóng lũ
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, mùa lũ ở các tỉnh thành miền Tây có thể đạt đỉnh vào ngày 1 - 3/10 tới. Mực nước tại Tân Châu (An Giang) có thể đạt khoảng 3,1 - 3,3m, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 0,6 - 0,8m.
Số liệu thực tế cập nhật ngày 1/10 cho thấy, mực nước chỉ đạt 2,8m. Con số này thấp hơn dự báo và nếu so với mực nước lũ ở mức báo động 1 tại Tân Châu là 3,5m thì thấp hơn khá nhiều.
Như vậy, hồi đầu mùa, các chuyên gia dự báo nước lũ năm nay thấp, đỉnh lũ có thể đạt mức xấp xỉ báo động 1 hoàn toàn chính xác.
Tương tự, tại Châu Đốc (An Giang), dự báo đỉnh lũ khoảng 2,8 - 3m, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 0,7m.
Cập nhật thực tế sáng 1/10, nước lũ chỉ đạt 2,55m - thấp hơn khá nhiều nếu so với mực nước lũ ở mức báo động 1 tại Châu Đốc là 3m.
Các chuyên gia cho rằng, nước lũ năm nay thấp, nguyên nhân lượng nước từ thượng nguồn về thiếu hụt nghiêm trọng.
Số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế cho thấy, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) đạt 4,91m, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn đến 3,05m.
Đồng thời, dung tích Biển Hồ đạt 32,15 tỉ mét khối nước, so với trung bình nhiều năm ít hơn đến 17,75 tỉ mét khối nước.
Như vậy, đến thời điểm này có thể nói năm nay miền Tây "đói" lũ. Điều này trước mắt có thể thuận lợi cho hoạt động sản xuất lúa vụ thu đông ở các tỉnh đầu nguồn.
Tuy nhiên, lũ không về đồng nghĩa với nguồn lợi thủy sản giảm sút, thiếu phù sa bồi đắp cho ruộng đồng... Quan trọng hơn là hạn mặn sẽ đến sớm và gay gắt.
"Năm nay, nhiều nơi ở khu vực trung và thượng nguồn sông Mekong thường xuyên khô hạn, ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Bên cạnh đó, các đập thủy điện thượng nguồn đặc biệt là trên dòng chính sông Mekong tích một lượng nước rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy tự nhiên của dòng sông.
Những tuần gần đây, mỗi tuần có vài tỉ mét khối nước được các con đập giữ lại", một chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi cho biết.
Người dân ít hưởng lợi từ thiên nhiên
Dạo quanh các cánh đồng xả lũ ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp), PV Báo Giao thông ghi nhận nước vẫn tràn đồng nhưng ít. Điều này đồng nghĩa việc mưu sinh của người dân ăn theo con nước năm nay cũng không được thuận lợi.
Vừa cho ghe cập bến chợ cá đầu nguồn, ông Tưng than thở: "Đặt hơn 100 cái cửa ngục (dụng cụ bắt thủy sản - PV) để bắt cá mùa lũ mà mỗi ngày được chưa tới chục ký cá chạch.
Nước năm nay về ít nên người dân cũng ít hưởng lợi từ thiên nhiên".
So với cùng kỳ mùa lũ năm trước thì năm nay, anh Hừng đạt mức thu nhập chỉ bằng 50%. Chuẩn bị gần 20 cái dớn đặt bắt cá linh (thuộc họ cá chép có nguồn gốc từ Biển Hồ, Campuchia), mỗi ngày anh kiếm nhiều nhất khoảng 30 ký cá.
"Cá linh ưa dòng nước chảy nên khi đánh bắt được mình phải bơm oxy để cá sống lâu bán mới được giá.
Do nước ít nên dớn phải đi đặt xa và nhiều chỗ thì mới có được nhiều. Bù công với chi phí, số lượng đánh bắt được ít nên thu nhập cũng không được nhiều", anh Hừng cho biết.
Chị Điểm, chuyên thu gom sản vật mùa nước nổi của người dân đánh bắt được tại chợ đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, hiện tại, chỗ thu mua của chị có khoảng 15 xuồng của người dân đi đánh bắt khắp nơi về cân lại.
Số lượng nhiều vậy nhưng mỗi ngày số cá chị thu mua cao nhất cũng khoảng 200 ký. Con số này tăng gấp ba lần so với đầu mùa lũ nhưng chỉ đạt khoảng phân nửa so với mùa lũ năm rồi.
"Năm nay lũ nhỏ nên lượng cá, tôm ít. Giá cân tại chợ đầu mối hiện chỉ 30.000 đồng/ký cho tất cả các loại.
Nhiều người đi đánh bắt xa, khi về tới chợ cá chết nhiều đem bán cá dạt nên giá cũng không được cao", chị Điểm nói.
Đến ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, huyện An Phú (An Giang), PV Báo Giao thông ghi nhận không khí kém nhộn nhịp tại vựa cá cách biên giới Campuchia chưa đầy 1km.
Trong khi đó, tại chợ Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang), số lượng cá, tôm nay năm cũng không nhiều.
Một tiểu thương tại chợ cho biết, so với mọi năm thì chợ năm nay hơi vắng. Nguyên nhân là vì sản vật mùa nước nổi được người dân đánh bắt không nhiều do lũ thấp.
"Số lượng bông súng đồng, bông điên điển không nhiều nhưng giá cả cũng chỉ tương đối chứ không cao. Mùa lũ năm nay, người dân ít hưởng lợi từ thiên nhiên do nước từ đầu nguồn đổ về quá ít", tiểu thương này cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận