QL1 qua Bình Định bị ngập đoạn Km1190 (huyện Phù Cát) - Ảnh: Vĩnh Nhân |
Sáng 15/12, thôn Đại An (xã Đại Nghĩa) vùng rốn lũ Đại Lộc vẫn ngập sâu trong nước lũ. Người dân rời làng đi sơ tán chưa thể về nhà. Những địa phương Đại Hiệp, Đại An (Đại Lộc) nước rút đến đâu cảnh tan hoang lộ ra đến đó. Ông Nguyễn Năm (51 tuổi, thôn Nghĩa Nam, Đại An) cho biết: “Gần hecta hoa màu chuẩn bị đến vụ thu hoạch mất trắng rồi, đồ đạc trong nhà cũng hư hại hết. Lũ lên quá nhanh khiến dân chỉ kịp giữ tính mạng”. Ông Lê Trọng Quốc, Giám đốc HTX Bàu Tròn (Đại An) thông tin nhanh: Hơn 200ha rau, màu trên địa bàn xã đã bị ngập úng, hư hại. Tại hiện trường, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc lo ngại thiệt hại chưa dừng lại, lũ vẫn đang diễn biến phức tạp. Đợt này chắc chắn còn tổn thất hơn những trận lũ trước.
Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn trên địa bàn huyện Đại Lộc bị nước lũ chia cắt. Phương tiện duy nhất có thể di chuyển vào lúc này là thuyền. Sốt ruột đi ghe về nhà, ông Nguyễn Vinh (40 tuổi, thôn Đại An) cho biết: Tối 14/12, nước đã dâng ngập hết. Nhà cửa bị chìm, cuốn trôi rất nhiều.
Thống kê của Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung, đến ngày 15/12, trên địa bàn đã có 3 người chết, 6 người bị thương. Toàn khu vực có 49 nhà hư hỏng, 1.029 nhà bị ngập. Về nông nghiệp, đã có 1.691ha lúa bị ngập, hư hỏng; 294ha rau màu và 355ha cây mía bị thiệt hại… |
Tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), tuyến đường độc đạo dẫn vào thôn Đông Bình (xã Duy Vinh) lại tiếp tục bị lũ cuốn trôi khiến 1.200 người dân bị cô lập. Theo ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, hiện trời mưa rất to, lũ vẫn đang dâng cao khiến công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Dân bị cắt đường gần tháng nay nên lương thực, nhu yếu phẩm hạn chế. Theo thống kê của UBND huyện Nông Sơn (Quảng Nam), tuyến đường độc đạo ĐT611 đi lên trung tâm huyện đang bị ngập, nhiều đoạn ngập sâu hơn 1m, giao thông đi lại bị chia cắt. Tuyến đường ĐT611 đoạn qua đèo Le sạt lở 15m bê tông, đoạn cầu treo đi thôn Thạch Bích sạt lở khoảng 50m với khối lượng khoảng 4.000m3 đất. Mưa lũ cũng làm bồi lấp nhiều tuyến kênh với khối lượng trên 200m3 đất. 22 ngôi nhà của người dân bị ngập trong nước lũ.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong ngày 15/12, nước lũ bủa vây hầu khắp các địa phương Thừa Thiên - Huế. Nhiều tuyến đường ở khu vực Bắc, Nam sông Hương bị ngập 0,2-0,3m, QL1 TX Hương Thủy, vùng thấp trũng Quảng Điền, TX Hương Trà… ngập nặng, giao thông chia cắt, khiến sinh hoạt của người dân gặp khó khăn, tài sản hư hại. Theo thống kê Ban chỉ đạo PCLB & TKCN Thừa Thiên - Huế, đến ngày 15/12, mưa lũ khiến một người chết, 1.420 nhà ở huyện Quảng Điền và Phú Lộc bị ngập 0,2-0,3m; 115ha hoa màu ở các phường: Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Văn, Hương Hồ bị ngập, ước thiệt hại 100%.
Ông Nguyễn Văn Tý, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, đơn vị tăng cường lực lượng tuần đường, giám sát diễn biến mưa lũ đối với hạ tầng đường sắt. Hiện, các việc khai thác đường sắt cơ bản ổn định. Theo ông Nguyễn Nhân, Trưởng ga Đà Nẵng, lịch trình các chuyến tàu đi đến ga không bị thay đổi nhiều.
Chiều 15/12, ông Trần Hưng Hà, Phó cục trưởng Cục QLBĐ III (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: Cục chỉ đạo các chi cục, đơn vị chức năng tăng cường lực lượng theo dõi, đảm bảo ATGT, khắc phục hư hỏng đường do mưa lũ. Đến nay, hầu hết trên các tuyến QL1 Bình Định đến Khánh Hòa xuất hiện nhiều điểm ngập sâu, có vị trí QL1 Khánh Hòa ngập kỷ lục đến 1,4m, khiến mặt đường bị hư hại, bong bật, xô đẩy hệ thống ATGT. Tại hiện trường, ông Nguyễn Minh Khánh, Phó giám đốc Ban QLDA QL1 Bình Định cho hay: Ít nhất khoảng 4-5 điểm QL1 bị ngập trở lại do mưa lớn, lũ về nhanh.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận