Hồ sơ tài liệu

“Miếng bánh” nghìn tỷ USD chờ các hãng dược châu Á

13/10/2021, 06:59

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến chủng khiến các nhà sản xuất vaccine cũng phải liên tục nghiên cứu và cập nhật theo.

Đại dịch Covid-19 không chỉ tạo ra một thị trường vaccine trị giá hàng nghìn tỷ USD mà còn mang đến nhiều cơ hội vô giá cho các công ty dược phẩm tại châu Á để vươn lên phá thế độc quyền về vaccine, thuốc điều trị Covid-19 cùng các loại thuốc giá trị cao khác mà nhiều doanh nghiệp phương Tây nắm giữ lâu nay.

img

Một trung tâm tiêm chủng tại Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE

Sự độc quyền của phương Tây

Đã gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đến nay mới chỉ có 1/3 dân số toàn thế giới và hơn 1% các nước thu nhập thấp được tiếp cận vaccine. Chưa kể, các vaccine đều giảm hiệu lực theo thời gian, đòi hỏi nhiều nước phải tiêm nhắc lại mũi thứ 3 với những người miễn dịch yếu.

Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 liên tục biến chủng khiến các nhà sản xuất vaccine cũng phải liên tục nghiên cứu và cập nhật theo. Vì vậy, về lâu dài, nhu cầu vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu vẫn rất cao.

Theo tờ Diplomat, riêng trong năm 2021, hai công ty sản xuất vaccine Pfizer và Moderna đạt lợi nhuận tổng cộng 52 tỷ USD và có thể thêm hàng tỷ USD từ doanh số bán vaccine tiêm bổ sung trong những tháng sắp tới.

Hai công ty sản xuất vaccine Johnson & Johnson và AstraZeneca đã cam kết sẽ bán vaccine với mức giá vốn cho đến khi đại dịch đi qua. Tuy nhiên với AstraZeneca, về lý thuyết, giai đoạn này đã chấm dứt vào tháng 7 và không có gì có thể ngăn cản cả hai công ty trên chuyển sang mô hình kinh doanh vì lợi nhuận với các vaccine mới.

Trên danh sách vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua, trừ vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc, vaccine Covishield của Ấn Độ, phần lớn thuốc miễn dịch còn lại là của các công ty dược phẩm Mỹ, châu Âu sản xuất.

Thực trạng thiếu đa dạng kể trên phản ánh vấn đề bất cân đối sâu sắc trong ngành công nghiệp vaccine trị giá hàng nghìn tỷ USD trên quy mô toàn cầu. Hiện nay, 8 trong 10 công ty có lợi nhuận lớn nhất đều có trụ sở tại Mỹ hoặc châu Âu.

Theo báo Diplomat, cho tới những năm 60 của thế kỷ trước, các công ty dược phẩm châu Âu và châu Mỹ đã được hưởng rất nhiều lợi ích nhờ được phép tiếp cận với kiến thức để sáng chế và phát triển kỹ thuật.

Sau này, khi đã phát triển mạnh và xu hướng toàn cầu hóa buộc họ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ nước ngoài, chính phủ các nước phương Tây đã mở rộng tiêu chuẩn về tài sản trí tuệ (IP) trên toàn cầu để bảo vệ công nghệ, củng cố năng lực cạnh tranh của các mặt hàng thuốc giá trị cao.

Những quy định đó không cho phép các nước đang phát triển có cơ hội như các doanh nghiệp phương Tây từng hưởng, để mở rộng sản xuất thông qua cách đổi mới sáng tạo mở (open innovation). Bên cạnh đó, y tế cộng đồng cũng bị ảnh hưởng bởi một nhóm tập đoàn phương Tây nắm độc quyền sản xuất các loại thuốc thiết yếu.

Các công ty tại Ấn Độ, Brazil và Thái Lan - những quốc gia có các đơn vị sản xuất dược hàng đầu khu vực không thể sản xuất những loại thuốc tương đương những thuốc của phương Tây đã được cấp bằng sáng chế với giá thấp hơn hay nâng cao chuỗi giá trị.

Cơ hội vàng cho châu Á

Mặc dù vậy, theo báo Diplomat, trong dịch Covid-19 lần này, ngoài Mỹ và châu Âu, khu vực phát triển vaccine có tiềm năng mạnh nhất chính là châu Á.

Đây là nơi có ngành dược phẩm rất năng động, vừa duy trì năng lực để sản xuất thuốc giá thấp vừa sáng tạo và có thể thực hiện nhiều công đoạn sản xuất phức tạp hơn

Tính đến tháng 10 năm nay, Trung Quốc là nơi có số công ty phát triển vaccine Covid-19 cao thứ 2 thế giới (46 đơn vị) sau Mỹ (120 đơn vị), đứng thứ 3 là Ấn Độ và Canada.

Tại Đông Nam Á, Đại học Chulalongkorn của Thái Lan đang nghiên cứu vaccine dựa trên công nghệ mRNA - ban đầu đã có tỷ lệ hiệu quả trên người ngang với Pfizer và có mức giá cạnh tranh hơn.

Một loại vaccine khác của Thái Lan chỉ mất chi phí khoảng 2 USD/liều và 2 loại vaccine dạng xịt sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vào trước cuối năm nay.

Chính phủ Hàn Quốc đầu tư 2 tỷ USD, đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới đến năm 2025. Trong đó, có 5 loại thuốc miễn dịch nội địa đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Tại Nhật Bản, nước này cũng cam kết tương tự và dành ngân sách 3 tỷ USD để phát triển vaccine nội địa sau khi nới lỏng quy định ngặt nghèo để tiến hành thử nghiệm. Ứng viên vaccine dựa trên công nghệ protein của công ty Shionogi đã sẵn sàng để đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021.

Khi được phê chuẩn và bắt đầu xuất khẩu, các loại thuốc miễn dịch mới của châu Á sẽ giúp tăng nguồn cung vaccine toàn cầu, từ đó hạ bớt giá sản phẩm.

Bên cạnh tự phát triển, các công ty tại châu Á cũng đạt được nhiều thỏa thuận sản xuất các loại vaccine đã được WHO phê chuẩn. Tại Hàn Quốc, công ty SK Bioscience đã chi 132 triệu USD để tăng năng lực sản xuất vaccine AstraZeneca và Novavax trong khi ứng viên vaccine dựa trên protein của nội địa đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.

Tương tự, công ty Daiichi Sankyo của Nhật Bản đã đạt thỏa thuận sản xuất với cả AstraZeneca, một công ty phát triển vaccine nội địa và một loại vaccine theo công nghệ mRNA khác để thực hiện giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.

Tuy ban đầu những hợp đồng sản xuất này còn bộc lộ nhiều thiếu sót của các đối tác trong khu vực, điển hình như khởi đầu đầy trắc trở của công ty Siam Biotech để sản xuất vaccine AstraZeneca tại Thái Lan.

Nhưng qua đây, các công ty trong khu vực đã nhận được cơ hội vô giá để thu lượm kinh nghiệm sản xuất thuốc miễn dịch. Hơn nữa, cũng qua đại dịch, các công ty dược phẩm của châu Á đã được trang bị tốt hơn cả về nguồn vốn, chuyên gia, công nghệ, cơ sở vật chất và có kinh nghiệm cạnh tranh với phương Tây tốt hơn.

Lợi nhuận từ sản xuất vaccine Covid-19 cũng có thể giúp các công ty này khởi động sản xuất và phát triển các loại thuốc mới cho cả bệnh Covid-19 và các bệnh lây nhiễm khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.