Đau nỗi đau đồng đội
Năm nay đã gần 80 tuổi, đôi chân của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (hiện ở khu phố Tài Lương 1, phường Hoài Thanh Tây, TX. Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) không còn nhanh nhẹn như hồi cùng đồng đội băng mình trong bão đạn trên khắp các chiến trường.
Nhưng đều đặn mỗi tháng, ông lại vượt quãng đường vài chục km về lại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân), nơi ông đã từng cùng đồng đội sát vai dưới mưa bom quân thù. Nơi đồng đội ông vẫn đang còn nằm đâu đó trong những cánh rừng già.
Trận tập kích cụm quân Mỹ đóng tại đồi Xuân Sơn vào cuối tháng 12/1966 do Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao vàng, Quân khu V đảm nhiệm là chiến công đặc biệt xuất sắc, giáng một đòn nặng vào chiến thuật càn quét dai dẳng của quân Mỹ.
Tuy vậy, nhiều bộ đội, quân dân chính đảng địa phương đã hy sinh. Họ đã anh dũng nằm lại bên nhau trong những hố chôn tập thể của lính Mỹ.
Cựu binh Đặng Hà Thụy (ngoài cùng bên phải) cùng các cựu binh Mỹ vượt núi đồi về lại chiến trường Xuân Sơn tìm hài cốt các liệt sĩ hy sinh. Ảnh: Đức Dũng
Năm 2005, khi vừa rời quân ngũ, ông Đặng Hà Thụy đã dành nhiều thời gian đi tìm kiếm hài cốt đồng đội.
Từng chiến đấu tại vùng thung lũng Kim Sơn, xã Ân Hữu từ những năm 1960 nên cựu chiến binh Đặng Hà Thụy luôn đau đáu nỗi đau mất mát và thầm lặng đi tìm đồng đội đã hy sinh.
Năm 2018, thông qua mạng xã hội facebook, ông Đặng Hà Thụy làm quen với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng. Ông Thắng là người có công mời các cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam tìm được hố chôn tập thể 153 hài cốt liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa.
Qua kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng, ông Đặng Hà Thụy đã liên hệ với một số cựu chiến binh Mỹ.
Từ thông tin do cựu chiến binh Mỹ cung cấp về những liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn, ông Thụy đã cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đi khảo sát, tìm kiếm tại thực địa nhưng chưa có kết quả do những thông tin còn khá mơ hồ.
Không nản chí, ông Thụy tiếp tục duy trì liên lạc với các cựu chiến binh Mỹ và mở rộng việc tìm kiếm thông tin ở các kênh khác.
Cuối năm 2021, ông Thụy kết nối được với cựu binh Bob March, nguyên đại úy thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 đã từng tham chiến ở trận Xuân Sơn.
Sau đó ông Bob chuyển cho ông Đặng Hà Thụy bảng tường thuật dài 3 trang A4 cùng các hình ảnh, sơ đồ vị trí hố chôn tập thể tại đồi Xuân Sơn.
Khu vực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đồi Xuân Sơn
Có được những tài liệu quý, ông Thụy tìm cách dịch tư liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Khi mỗi bản dịch chính xác, niềm tin về ngày các đồng đội được “yên nghỉ” của ông lại gần thêm một chút.
Hàng đêm, ông Thụy trao đổi qua mạng với ông Bob March từ Mỹ để hỏi rõ hơn các hình ảnh ở khu vực đồi Xuân Sơn.
Sau đó, các cựu chiến binh Mỹ cũng cung cấp thêm ảnh vệ tinh hiện tại, chỉnh sửa vị trí, điều chỉnh hướng và phạm vi cần khai quật tại đồi Xuân Sơn.
Ông Đặng Hà Thụy trực tiếp dịch tài liệu rồi cung cấp cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định.
Ngày 11/3/2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tổ chức khảo sát, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ ở đồi Xuân Sơn. Ông Thụy luôn theo sát công tác tìm kiếm.
Sợ ông tuổi cao, người thân bảo ông về nhà để lực lượng tìm kiếm ở lại nhưng cứ 2-3 ngày, ông lại tất tả nhờ người chở ngược về phía núi bởi theo chia sẻ của ông: “Chừng nào chưa tìm được đồng đội thì chừng ấy tôi vẫn chưa yên lòng”.
Đến giữa tháng 4 năm nay, khoảng 60 hài cốt liệt sĩ và quân dân chính đảng địa phương hy sinh tại đồi Xuân Sơn vào cuối năm 1966 đã được quy tập, đưa về an táng tại mộ tập thể trong Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân trong niềm xúc động vô hạn của thân nhân các liệt sĩ, người dân và chính quyền địa phương.
Có mặt tại lễ quy tập này, cựu binh Đặng Hà Thụy không dấu nỗi sự vui mừng. Nhưng đâu đó nơi đáy mắt của ông, niềm vui vẫn chưa trọn vẹn bởi vẫn còn nhiều hài cốt khác chưa được tìm thấy trên đồi Xuân Sơn.
Các cựu chiến binh Mỹ quay trở về Việt Nam giúp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trận đánh đồi Xuân Sơn. Ảnh: Đức Dũng
Tiếp tục hành trình lặng lẽ
Sau khi tìm được những hài cốt đầu tiên, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy vẫn tiếp tục cần mẫn với công việc đi tìm đồng đội của mình. Hằng ngày, ông vẫn đều đặn kết nối với các cựu binh Mỹ từng tham gia trận đánh Xuân Sơn năm ấy.
Từ ngày 30/7 đến 5/8, đoàn cựu chiến binh Mỹ, từng tham gia trận đánh ở đồi Xuân tháng 12/1966, đã trở lại khu vực này để hỗ trợ công tác tìm kiếm, quy tập các hài cốt liệt sĩ Việt Nam.
Trong đó, ông Stephen Holmes Hassett là người trực tiếp chụp bức ảnh bộ đội ta hy sinh trước khi được chôn tập thể tại đồi Xuân Sơn vào sáng 27/12/1966.
Theo cựu chiến binh Mỹ, ngoài hố chôn tập thể đã được phát hiện, còn một hố chôn tập thể nữa của bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh tại đồi Xuân Sơn. Vị trí của hố chôn này nằm ở hướng đông bắc của trận địa.
Các cựu chiến binh này cùng lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định và cựu binh Đặng Hà Thụy lội bộ, trèo dốc thị sát nhiều khu vực ở đồi Xuân Sơn để liên kết các thông tin với nhau nhằm xác định các khu vực nghi ngờ có chôn các hài cốt liệt sĩ.
Theo các cựu chiến binh Mỹ, trận chiến tại đồi Xuân Sơn vào đêm 26 và rạng sáng 27/12/1966 rất khốc liệt.
Khi đó, các lính Mỹ tham chiến đều còn rất trẻ, bị điều đến Việt Nam nên phải thực hiện theo. Nhưng mọi việc ở Việt Nam đều không như các thanh niên Mỹ mong muốn.
Vì vậy, trong trận chiến tại đồi Xuân Sơn và một số trận chiến khác, các quân nhân Mỹ chỉ muốn bảo toàn mạng sống của mình.
Theo cựu binh Mỹ Kinbourne Lo, khi còn tham gia chiến đấu tại đồi Xuân Sơn, nếu có thời gian rảnh, ông thường đứng trên đồi nhìn ra xung quanh, thấy núi non và phong cảnh rất đẹp.
Kết thúc chiến tranh, điều làm cựu chiến binh này ấn tượng sau cùng là Việt Nam rất tươi đẹp và ông chỉ muốn nhớ đến điều này thôi.
Cựu chiến binh Kinbourne Lo tâm sự rằng, khi mới đặt chân trở lại đồi Xuân Sơn, ông thấy rất bỡ ngỡ vì qua 56 năm, địa hình, địa vật nơi đây đã có nhiều thay đổi nên phải mất một thời gian mới hồi phục lại ký ức.
“Điều tôi muốn nói về Việt Nam bây giờ rất nhiều chứ không phải là 1 cuộc chiến. Tôi rất yêu đất nước này.
Từ khi trở về Mỹ, rời khỏi quân đội, tôi tự quay lại Việt Nam thêm 4 lần nữa. Vì yêu đất nước Việt Nam nên mọi thứ liên quan đến Việt Nam mà tôi có thể tham gia được thì luôn sẵn lòng”, cựu chiến binh Kinbourne Lo tâm sự và cho biết mình rất vui vì được cùng lực lượng Việt Nam tìm kiếm liệt sĩ.
Các cựu chiến binh Mỹ hứa sau khi trở về nước sẽ tiếp tục giữ liên lạc với ông và tìm gặp thêm những người từng tham gia trận đánh tại đồi Xuân Sơn để thu thập thông tin, hỗ trợ cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định sớm xác định vị trí của hố chôn tập thể các liệt sĩ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận