Từ ngày 15/4/2020, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực.
Nghị định quy định, đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn... sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc: “Thế nào là miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn giao thông”?
Trả lời Báo Giao thông về nội dung này, đại diện Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) cho biết, quy định xử phạt hành chính đối với hành vi miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn... được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong hoạt động báo chí.
Tại điểm b khoản 3 Điều 8, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản quy định rõ: 'Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh”.
Trong thực tế, cơ quan báo chí khi thực hiện đưa tin, bài về các vụ án mạng, tai nạn giao thông... đều có biện pháp kỹ thuật xử lý hình ảnh (che mờ, ca rô...) và không miêu tả cụ thể, tỉ mỉ hành vi phạm tội cũng như hiện trường vụ việc. Thanh tra Bộ TT&TT cũng đã xử phạt nhiều cơ quan báo chí về hành vi vi phạm này.
Trong thời gian gần đây, một số cá nhân khi sử dụng mạng xã hội vì mục đích câu view đã thực hiện hành vi miêu tả tỉ mỉ tai nạn, hoặc đăng hình ảnh rùng rợn trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý người đọc. Vì vậy, người sử dụng livestream cảnh thảm sát, chém, giết, tai nạn rùng rợn sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Bộ TT&TT cũng cho biết, khi người dân phát hiện các hành vi vi phạm nói trên cần phản ánh tới Thanh tra Bộ TT&TT hoặc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ TT&TT, các Sở TT&TT địa phương để xác minh, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị cứu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận