Thị trường bất động sản Đà Nẵng phát triển tốt hơn nhờ minh bạch hóa |
Theo bà Mai Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng Đà Nẵng), thực hiện Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở, đơn vị đã lần lượt công bố 7 dự án (gồm 2.728 căn hộ, 171 biệt thự, 216 nhà ở liền kề) được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai và 18 dự án đất nền được phép giao dịch trên địa bàn. Thủ tục xin cấp quyền bán nhà ở hình thành trong tương lai rất đơn giản, nhưng đủ điều kiện để đặt dự án vào khuôn khổ minh bạch, tuân thủ pháp luật.
“Việc công khai như trên buộc chủ đầu tư trách nhiệm với dự án, với khách hàng. Đồng thời, khách hàng khi lựa chọn giao dịch có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thủ tục theo quy định, từ đó đánh giá được dự án, tính chính danh và tiềm lực của chủ đầu tư”, bà Linh nhân định.
Với các dự án BĐS vi phạm, mới đây Sở Xây dựng Đà Nẵng ra Công văn số 3673/SXD-QLN đề nghị Công an thành phố kiểm tra, xử lý theo đúng quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS đối với các công trình trên địa bàn thành phố.
Tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng tái khẳng định: Chính quyền thành phố không bao giờ hợp thức hóa sai phạm với các dự án BĐS. Chỉ khi nào chủ đầu tư hoàn thiện đúng thủ tục mới được cấp phép, cấp sổ đỏ.
Trao đổi vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội đánh giá: Việc Đà Nẵng công khai thông tin như một lời cảnh báo cho chủ đầu tư và giúp khách hàng thận trọng hơn trong lựa chọn giao dịch. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cũng nhận định: Đà Nẵng cần thực hiện liên tục các giải pháp quyết liệt tương tự để thanh lọc thị trường. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tạo cơ chế phù hợp, đồng thời kiểm tra thường xuyên việc thực thi pháp luật của chủ đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận