Trước ngày 30/6, Bộ GTVT cơ bản quyết toán xong 54 dự án BOT, BT hoàn thành, không bao gồm phần quyết toán GPMB của các địa phương (Trong ảnh: Dự án BOT QL1 đoạn Bắc Bình Định) - Ảnh: Đình Quang |
Cuối tháng 6, toàn bộ 54 dự án BOT và BT đã đưa vào khai thác, thu phí sẽ hoàn thành quyết toán. Đây là kết quả sau một thời gian nỗ lực tối đa của các chủ thể và cơ quan chức năng của Bộ GTVT, đồng thời coi quyết toán là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực của các đơn vị liên quan, nhất là các ban QLDA.
Trước 30/6, quyết toán xong 54 dự án BOT, BT hoàn thành
Đầu tháng 6/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác quyết toán dự án BOT hoàn thành do Bộ GTVT quản lý. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trực tiếp đảm nhiệm vai trò làm Trưởng ban chỉ đạo; Các phó ban, ủy viên gồm: Vụ trưởng Vụ Tài chính, Vụ trưởng Vụ PPP, Chánh thanh tra Bộ GTVT, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, Tổng giám đốc các Ban QLDA 1, 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, ATGT và Giám đốc các Ban QLDA 4, 5, 8. Đồng thời, Bộ GTVT cũng ban hành các văn bản về quy trình thẩm tra, phê duyệt công tác quyết toán và văn bản hướng dẫn các công tác điều chỉnh tổng mức đầu tư, phân công các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT triển khai những quy trình này.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, ngay khi hình thành, Ban chỉ đạo công tác quyết toán dự án BOT đã thành lập 3 tổ giúp việc và thường xuyên làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) dự án BOT, các Ban QLDA để kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác quyết toán các dự án BOT hoàn thành đảm bảo tiến độ theo kế hoạch lãnh đạo GTVT yêu cầu.
Tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT ngày 7/4, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác quyết toán. “Thời gian qua, chúng ta đã giành thời gian để đẩy nhanh việc quyết toán dự án hoàn thành. Quyết toán dự án chính là điều kiện, cơ hội để minh bạch, công khai các dự án. Việc quyết toán chính xác, đúng hạn các dự án là một kênh đánh giá năng lực quản lý ngành của Ban quản lý. Thông qua công tác quyết toán, chúng ta có thể minh bạch dự án, từ đó, dư luận, xã hội có thể chia sẻ, hiểu đúng hơn về đầu tư BOT”, Bộ trưởng nói. |
“Chưa khi nào công tác quyết toán các dự án BOT hoàn thành được lãnh đạo Bộ GTVT, đặc biệt là Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa quan tâm chỉ đạo quyết liệt như thời gian qua. Tại các cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT hàng tháng, quyết toán các dự án BOT luôn là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận và kiểm điểm. Đến nay, kết quả quyết toán các dự án BOT hoàn thành đang được Bộ GTVT thực hiện tương đối tốt”, ông Quốc nói và cho biết, quyết toán công trình là khâu bắt buộc của quá trình quản lý dự án đầu tư.
“Thông qua quyết toán sẽ xác định được chi phí đầu tư thực tế, hợp pháp của công trình. Đặc biệt, đối với các công trình BOT giao thông, giá trị quyết toán còn là một trong những cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án”, ông Quốc nói.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quyết toán, ông Quốc cho biết, về mặt cơ chế, chính sách, trong quá trình xây dựng, nhiều hạng mục của các dự án được áp dụng những công nghệ khoa học kỹ thuật mới vào thi công nên nhiều định mức chưa được ban hành như: Cọc cát, giếng cát, trạm trộn bêtông trên 80 tấn… “Một số nhà đầu tư, DN dự án chưa có kinh nghiệm về công tác quyết toán dẫn tới quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để quyết toán công trình còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm chú trọng đúng mức đến công tác quyết toán phần GPMB khiến công tác quyết toán dự án gặp khó khăn”, ông Quốc chia sẻ.
Về kết quả thực hiện, ông Quốc cho biết, đến nay, các nhà đầu tư BOT, BT đã lập và trình quyết toán của 53 dự án; Các ban QLDA đã kiểm tra và trình quyết toán được 53 dự án, trong đó có 4 dự án trình theo hạng mục. “Cơ quan có thẩm quyền đã chấp thuận quyết toán 41 dự án, trong đó có 3 dự án chấp thuận theo hạng mục. “Đến ngày 30/6, về cơ bản Bộ GTVT sẽ hoàn thành quyết toán của 54 dự án BOT, BT đã hoàn thành và thu phí, không bao gồm phần quyết toán GPMB thuộc trách nhiệm của các địa phương”, ông Quốc thông tin.
Đối với các công trình BOT, giá trị quyết toán là một trong những cơ sở để xem xét, điều chỉnh phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án (Trong ảnh: Trạm thu phi Toàn Mỹ trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: Ngọc Hùng |
Quyết toán khó khăn nhưng phải làm
Theo TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN, nguyên Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT), giống như các dự án ngân sách, quyết toán các dự án BOT giao thông bao gồm hai phần: Quyết toán xây lắp và quyết toán GPMB. “Riêng phần GPMB được tách ra thành tiểu dự án và giao cho địa phương thực hiện”, ông Long nói.
Bộ GTVT làm rất tốt quyết toán BOT Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện quyết toán các dự án, công trình rất khó khăn vì đây là khâu cuối của hợp đồng và các bên cần phải rà soát lại. Nếu dự án càng dài thì càng khó khăn. “Riêng với dự án BOT giao thông đã hoàn thành, thời gian qua Bộ GTVT đã làm quyết toán rất tốt”, ông Tuấn Anh đánh giá và cho rằng, đối với các dự án BOT thực hiện quyết toán hàng năm, sau mỗi năm ngân sách, các bên sẽ ngồi lại cùng nhau, trong trường hợp số thu của năm đó tăng cao thì tính toán giảm giá, phí cho những năm tiếp theo hoặc ngược lại. “Các dự án BOT được ký bởi cơ quan có thẩm quyền với nhà đầu tư và thực hiện theo Luật Dân sự nên các bên có quyền lợi, trách nhiệm theo Luật Dân sự và các điều khoản hai bên đã ký kết” ông Tuấn Anh nói. Lưu Thủy (Ghi) |
Đối với việc quyết toán phần xây lắp, ông Long cho biết, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư nào tuân thủ đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng sẽ căn bản không gặp khó khăn trong việc quyết toán. Ngược lại, những nhà đầu tư quản lý không tốt, nhất là những vấn đề bổ sung, phát sinh không đầy đủ thủ tục, hồ sơ chứng từ, phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và chất lượng của hồ sơ quyết toán.
Theo ông Long, quyết toán công trình gặp khó khăn nhất ở việc quyết toán phần GPMB, bởi các bên thường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. “Nhà đầu tư thường viện lý do tại địa phương chưa xong nên không thể quyết toán toàn bộ công trình, trong khi phía địa phương lại lấy đủ các lý do khác như nhà đầu tư chưa chuyển đủ tiền, một số chỗ chưa hoàn thiện nên chưa thể hoàn thiện hồ sơ”, ông Long nói.
“Trước đây, khi còn công tác tại Cục QLXD&CLCTGT, tôi đã đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cụ thể đối với đặc thù của dự án giao thông và tham mưu Chính phủ đưa ra hai phương án để quyết toán dự án. Thứ nhất, Chính phủ cho phép quyết toán dự án bao gồm cả phần GPMB kèm theo những tồn tại phải tiếp tục giải quyết. Thứ hai, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ cho phép tách riêng tiểu dự án GPMB và quyết toán riêng, phải làm như thế mới xong được”, ông Long nói và đánh giá, chủ trương của Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị hoàn thành quyết toán các dự án BOT hoàn thành xong trước ngày 30/6 là rất đúng đắn nhằm đảm bảo đúng các quy định trong công tác quản lý, đầu tư các dự án giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận