Đường sắt

Mở cơ hội hiện đại hóa công nghiệp đường sắt

20/10/2016, 09:07
image

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung nhiều điều khoản ưu tiên phát triển và hiện đại hóa công nghiệp đường sắt...

8

Sửa chữa toa xe tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, một trong ba cơ sở sửa chữa, lắp ráp phương tiện đầu máy, toa xe hàng đầu của ngành Đường sắt Việt Nam

Vừa lạc hậu vừa thiếu

Ông Ngô Cao Vân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ngành Đường sắt hiện nay có ba nhà máy công nghiệp đầu máy - toa xe gồm: Xe lửa Gia Lâm, Toa xe Hải Phòng và Xe lửa Dĩ An. Cùng đó, là 5 xí nghiệp quản lý, vận dụng, sửa chữa đầu máy; 5 xí nghiệp quản lý, sửa chữa toa xe. Ngoài ra, có các đơn vị sản xuất cấu kiện cầu, đường sắt, ghi, phụ tùng linh kiện thông tin tín hiệu và tà vẹt bê tông.

"Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ là cơ sở để tạo điều kiện hỗ trợ, ưu đãi hơn cho công nghiệp đường sắt phát triển đồng bộ với sự phát triển kết cấu hạ tầng và vận tải đường sắt; Khắc phục những yếu kém về công nghiệp đường sắt của Việt Nam hiện nay”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Ngọc Đông

Theo ông Vân, từ năm 2005 đến nay, lĩnh vực công nghiệp đường sắt đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng vận tải đường sắt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập, tổ chức phân tán, nguồn lực yếu và hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Phần lớn sản phẩm công nghệ cao đều phải nhập khẩu… Trong khi đó, vốn đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2005 - 2015 chỉ ở mức khiêm tốn 31 tỷ đồng, trong đó dành cho lĩnh vực công nghiệp đường sắt tùy từng năm khoảng từ 23 - 48%. Sản lượng công nghiệp hàng năm của ngành Đường sắt đạt bình quân khiêm tốn 343 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ lệ 3-8% doanh thu toàn ngành.

Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho rằng, công nghiệp đường sắt hiện rất lạc hậu và thiếu, chưa có các dây chuyền hiện đại, chưa có cơ sở sản xuất ray, ghi, phụ kiện. Việc phát triển công nghiệp đường sắt thời gian vừa qua chưa được quan tâm và chưa có chính sách ưu đãi để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, hoán cải, sửa chữa phương tiện giao thông đường sắt hiện nay ngoài việc chịu tác động của kinh tế thị trường còn có nhiều khó khăn về nguồn vốn để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trang bị đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị... “Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm cho công nghiệp đường sắt hoạt động cầm chừng trong thời gian dài vừa qua”, ông Khôi nói.

>>> Xem thêm video:

Cần có chính sách ưu đãi

Trước thực trạng yếu kém của công nghiệp đường sắt Việt Nam, ông Ngô Cao Vân cho rằng, muốn nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và hướng tới xuất khẩu như kỳ vọng, phải đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp đường sắt để đầu tư thay đổi công nghệ, bổ sung trang thiết bị, áp dụng tiêu chuẩn kĩ thuật chất lượng tiên tiến, bổ sung nguồn nhân lực. Cũng theo ông Vân, ngành Đường sắt cần thay đổi chính sách hỗ trợ cho phát triển công nghiệp đường sắt, tạo đà về cơ bản tăng số lượng, chủng loại sản phẩm và nâng cao chất lượng để có sự phát triển vững chắc và đột biến, khi đó tỷ lệ nội địa hóa được cải thiện.

Muốn làm được điều đó, trước tiên phải được cụ thể hóa trong chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ trình QH thảo luận, thông qua tới đây đã bổ sung mới một chương quy định về công nghiệp đường sắt, đồng thời đưa ra chính sách ưu đãi hỗ trợ cho việc phát triển công nghiệp đường sắt mà Luật Đường sắt 2005 chưa quy định. Ông Khôi cho biết, ngoài các ưu đãi mà pháp luật đã quy định, theo Dự thảo Luật, công nghiệp đường sắt là ngành nghề được ưu đãi đầu tư với các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; Nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; Nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; Tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Phát triển công nghiệp đường sắt sẽ được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi nhất từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước, được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật.

Theo Tổng công ty Đường sắt VN, Dự thảo Luật nên bổ sung cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt vào đối tượng được ưu đãi trong hoạt động kinh doanh đường sắt, trong đó được miễn tiền sử dụng đất hoặc miễn tiền thuê đất; Được giảm tiền sử dụng đất hoặc giảm tiền thuê đất… nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư lĩnh vực này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.