Thị trường

Mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay, làm một số cảng biển đón khách quốc tế

16/02/2019, 19:40

Phát biểu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị phát triển Du lịch các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên tại Huế ngày 16/2.

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chủ trì Hội nghị phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức tại TP Huế ngày 16/2

Theo Thủ tướng, du lịch miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn và miền Trung-Tây Nguyên là nơi hội tụ và đại diện cho hầu hết các loại tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam: biển đảo, văn hóa- lịch sử, sinh thái, núi rừng, hang động.

Thủ tướng nhấn mạnh, các tài nguyên du lịch của miền Trung - Tây Nguyên quá đặc sắc và phong phú. Tuy nhiên, tài nguyên du lịch nơi đây vẫn như “viên ngọc thô” chưa được mài dũa, hoặc chưa tìm được người thợ dũa đúng cách…

Đặc biệt, theo Thủ tướng, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển các cụm ngành Du lịch như: nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử, di sản, biển đảo, khám phá đồi núi, khám phá hang động… Một cụm ngành bao gồm nhiều ngành có liên quan, trong đó trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên - nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí.

“Chúng ta cần tư duy phát triển theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm. Nếu phát triển không đồng bộ các lĩnh vực các cụm ngành nói trên thì du lịch khó có thể phát triển”, Thủ tướng lưu ý.

Theo Thủ tướng, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có nhiều khu du lịch đẳng cấp quốc tế có thương hiệu mạnh, trong đó có nhiều khách sạn 5 sao, “siêu sao”, chiếm gần 20% toàn quốc... Nhưng nhìn một cách tổng thể, du lịch miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung đang còn mất cân đối, thiếu, nhạt bản sắc, dịch vụ còn nghèo nàn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu, và còn nhiều "hạt sạn"...

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

"Đừng bao giờ để những từ “chặt chém”, “níu kéo” thành những… “thương hiệu” ở một số địa phương. Chúng ta phải làm để cải tiến môi trường du lịch tốt nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, ngành Du lịch cần nghiên cứu để làm sao đưa văn hóa bản địa của chúng ta đến với du khách một cách sâu đậm hơn, ấn tượng hơn… Sau hội nghị, các ngành, địa phương sẽ chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 8 của Đảng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Mở cửa bầu trời, làm một số cảng biển đón khách quốc tế

Thủ tướng lưu ý cần tránh phong trào đầu tư du lịch, cần có sản phẩm du lịch địa phương độc đáo, khác biệt. Đồng thời, phải ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là các hạ tầng điểm đến, giao thông kết nối; tạo sự liên kết rõ nét trong tour du lịch đối với vùng miền Trung - Tây Nguyên.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong khuôn khổ Hội nghị phát triển Du lịch miền Trung và Tây Nguyên tại TP Huế

Thủ tướng đề nghị ngành Du lịch lập danh sách các công dân ưu tú ở các nước để nới lỏng điều kiện thuận lợi hơn nữa, tốt hơn nữa như cấp “thẻ xanh”. Thủ tướng cho biết, đã có 24 nước miễn hộ chiếu phổ thông ở các thị trường du lịch lớn, visa điện tử hiện đã 47 nước và Thủ tướng vừa ký Nghị quyết áp dụng visa điện tử thêm 34 nước nữa. Như vậy đã có 105 nước, vùng lãnh thổ áp dụng visa điện tử.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát lại tài nguyên du lịch hiện đã được khai thác sử dụng có hiệu quả chưa, có được trao đúng “thợ kim hoàn” có năng lực và tiềm lực chưa?; cần bứt phá giải quyết các “điễm nghẽn” về đất đai, phân bổ tài nguyên du lịch cho các nhà đầu tư có năng lực… Hơn ai hết, ngành Du lịch phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả hơn; áp dụng cách quảng bá “4.0” để tăng khả năng tiếp cận điểm đến cho du khách… Đặc biệt, không có cách nào hiệu quả hơn việc xây dựng hình ảnh mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch; các công ty du lịch cần có tính tự hào, tự tôn dân tộc, không kinh doanh với bất cứ giá nào.

“Chúng ta phải mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay bằng mọi nguồn lực, làm một số cảng biển đón khách quốc tế cho hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đường ven biển được đầu tư xã hội hóa từ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ Huế đến Bình Thuận cũng có thể đầu tư bằng đấu giá quỹ đất phát triển đô thị ven biển, tạo động lực phát triển du lịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.