Sáng 21/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chợ thực phẩm An Đông (quận 5) chợ Bình Thới (quận 11) và một số chợ khác trên địa bàn TP.HCM.
Tại các điểm kiểm tra, đoàn công tác kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch, thăm hỏi thương nhân về nguồn hàng hóa, kiểm soát giá bán hàng, nhắc nhở Ban quản lý và thương nhân bán đúng giá niêm yết.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương (thứ hai bên phải) kiểm tra chợ truyền thống An Đông, quận 5, sáng 21/7.
Tại chợ thực phẩm An Đông (quận 5), chợ Bình Thới (quận 11) và chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) đa số các hàng quán, sạp kinh doanh các mặt hàng không phải thiết yếu đều cửa đóng then cài, chỉ còn một số cửa hàng thiết yếu như rau củ, quả, thịt bò, thịt gà… được mở cửa phục vụ. Người dân đến mua bán không nhiều.
Đại diện Ban quản lý chợ thực phẩm An Đông cho biết, để đảm bảo an toàn phòng dịch, Ban quản lý chợ vận động bà con tiểu thương đăng kí bán hàng online nhưng còn ít, chỉ có khoảng 15 tiểu thương đăng kí bán online với các ngành hàng là rau, củ, quả, thịt bò, thịt gà…
Hình thức là tiểu thương đăng kí với phòng kinh tế để phòng đưa lên trang thông tin của quận, từ đó người dân liên hệ bà con tiểu thương để đặt hàng trực tiếp.
Bà Dương Hòa Thương Hợp (57 tuổi) bán cua tại chợ An Đông cho biết, mùa dịch kinh doanh rất khó khăn từ khâu nhập hàng, vận chuyển và bày bán.
"Trước đây tôi nhập hàng trăm ký cua từ miền Tây thì nay chỉ nhập khoảng vài chục ký nhưng phải 2-3 ngày mới bán hết hàng", bà nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, bán rau củ quả tại đây cũng cho hay, hôm nay giá rau sụt giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với mấy ngày trước. Giá rẻ do một phần nhập hàng gần thành phố nên việc vận chuyển thuận tiện hơn.
Tại chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương khách đến chợ đông hơn, nhất là khung giờ buổi sáng.
Chợ Bình Thới, quận 11 bán hàng có niêm yết giá, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, nguồn hàng tại chợ phong phú, ghi nhận sáng 21/7.
Tại chợ Bình Thới, ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban quản lý chợ cho biết, chợ đã mở cửa trở lại từ ngày 9/7 với 297 tiểu thương ngành hàng thực phẩm buôn bán.
Để được kinh doanh trở lại, tất cả tiểu thương đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính, đã được tiêm ngừa Covid-19 và thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt trong những ngày ra chợ buôn bán.
Ông Tùng cho biết thêm, cứ 5 ngày 1 lần, y tế quận 11 đến lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với thành viên Ban quản lý và tiểu thương. Về giá cả, trong những ngày gần đây có biến động tăng nhẹ do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch và việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
“Chợ Bình Thới hoạt động từ 4 - 11h mỗi ngày, khách đi chợ được kiểm soát theo hình thức phát phiếu và mỗi đợt chỉ có tối đa 100 người vào mua sắm. Tính từ ngày 9/7 đến nay, đã có khoảng 4.000 lượt khách mua đi chợ”- ông Tùng cho biết thêm.
Theo bà Bích Liên, tiểu thương bán thịt bò tại chợ Bình Thới, do khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa là đi qua nhiều chốt kiểm soát nên giá một số mặt hàng tăng 20-30.000 đồng/kg. Hiện, giá thịt bò bít tết dao động 350 ngàn đồng/kg, bò nạc khoảng 300 ngàn đồng/kg, thịt đùi 320 ngàn đồng/kg…
Bà con buôn bán trong chợ Bình Thới đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các quầy rau, củ... đều căng bóng kính; người mua, bán tránh tiếp xúc gần.
Sau khi đi kiểm tra, ông Đỗ Thắng Hải đề nghị các Ban quản lý chợ quan tâm kiểm soát dịch bệnh; kiểm tra, kiểm soát giá bán hàng, kết nối tạo đầu mối cung ứng nguồn hàng, không thiếu hụt hàng hóa.
Tính đến nay TP.HCM có 40 chợ truyền thống đang hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện TP đã có chủ trương mở cửa lại chợ truyền thống khi bảo đảm các quy định chống dịch để đảm bảo cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận