Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3. Tuy nhiên, các chuyên gia và người làm du lịch đều nhận định giai đoạn này còn nhiều khó khăn. Không phải cứ mở cửa, khách quốc tế sẽ xách balo đến Việt Nam du lịch.
Trong buổi họp chiều 15/3, đại diện Tổng Cục Du lịch đã chỉ ra những nội dung mà toàn ngành du lịch cần tập trung để đạt hiệu quả.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đã mở cửa và công bố những kế hoạch mở cửa với các chính sách thông thoáng.
Buổi họp báo "Mở cửa hoạt động du lịch từ 15/3"
Do đó, để đạt được những hiệu quả trong việc mở cửa du lịch, một số vấn đề được xác định mà toàn ngành cần tập trung. Trong đó, có 6 nội dung chính:
1. Đảm bảo an toàn. Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng mùa xuân đang diễn ra thần tốc. Việc tiêm phủ vaccine cho các đối tượng 5-12 tuổi sẽ được diễn ra trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, tất cả vẫn phải luôn duy trì các quy định về phòng chống Covid-19, thường xuyên cập nhật các thông tin mới để kịp thời ứng phó với các vấn đề do Covid-19 gây ra.
2. Tần suất các chuyến bay để phục hồi cho hoạt động du lịch quốc tế và nội địa là yếu tố quan trọng. Bộ VH, TT&DL sẽ tiếp tục phối hợp Bộ GTVT, các doanh nghiệp lữ hành có những kiến nghị, đề xuất để có những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để mở lại du lịch.
Liên quan tới “Hộ chiếu vaccine”, chỉ khi nào các hoạt động du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam ra quốc tế (outbound) bình thường, mới có thể cân bằng được việc vận chuyển hàng không, giảm các chi phí cho việc đi lại. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Tần suất các chuyến bay để phục hồi cho hoạt động du lịch quốc tế và nội địa là một trong những nội dung cần tập trung
3. Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả với các doanh nghiệp, người lao động trong ngành đã bị tổn thương nặng nề trong 2 năm qua.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành, để sớm phục hồi hoạt động kinh doanh, thu hút người lao động trở lại, tổ chức triển khai các chương trình đào tạo lại, đảm bảo nguồn nhân lực và tạo năng lực nội sinh cho các doanh nghiệp.
4. Rà soát, hoàn thiện các cơ sở vật chất, nâng cao đội ngũ lao động là điều cần thiết. Sau 2 năm, CSVC đã giảm sút, xuống cấp nên cần có sự kiểm tra, thanh tra để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn.
5. Cùng với việc tạo những sản phẩm dịch vụ mới, cần phải xúc tiến truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, cả trong nước lẫn nước ngoài để phối hợp và lan tỏa việc mở cửa du lịch.
Sắp tới, Bộ VH,TT&DL sẽ phối hợp với các địa phương, trung tâm du lịch, liên kết vùng để tạo các sự kiện, tạo các hoạt động thu hút khách du lịch. Ví như: Sự kiện quảng bá ở Quảng Ninh, Khai mạc Năm du lịch Quốc gia ở Quảng Nam với 196 hoạt động theo chủ đề "Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”, các hoạt động kích cầu du lịch, liên kết…
6. Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Hiện tại, Tổng Cục Du lịch đã có kế hoạch truyền thông, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội; tham gia một số hội chợ quốc tế lớn; tổ chức Hội chợ du lịch vào tháng 4/2022…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận