Xã hội

Mở cửa lại trường học đừng quá hoang mang

10/11/2021, 06:57

Thời gian qua, hàng loạt địa phương, trong đó có cả vùng xanh liên tục thay đổi kế hoạch mở cửa lại trường học do dịch bệnh diễn biến phức tạp…

Ngay cả ở những nơi được dạy học trực tiếp, việc tuân thủ thực hiện các quy định về phòng, chống dịch cũng không thống nhất.

Thực hiện đúng 5K rất tốt nhưng cũng phải linh hoạt

Tới thời điểm này, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đạt đủ các điều kiện cần để mở cửa trường, dạy học trực tiếp.

img

Sau nhiều ngày cân nhắc, Hà Nội chỉ cho huyện Ba Vì thí điểm mở cửa lại trường học

Cụ thể, bà Châu Hoài Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, hơn 97% học sinh trong độ tuổi từ 12 - 17 của tỉnh đã được tiêm 1 mũi vaccine Covid-19; 93,5% cán bộ giáo viên hoàn thành tiêm chủng; 645 trường học trên địa bàn đã xây dựng được phương án phòng, chống dịch theo các cấp độ và các tiêu chí mới, bố trí đầy đủ phòng cách ly tạm thời khi có dịch…

Thế nhưng, địa phương này vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, bất cập khi học sinh quay trở lại học trực tiếp.

“Nếu thực hiện đúng quy định 5K thì rất tốt nhưng trong trường học khó đảm bảo giãn cách khi lớp học đông, đặc biệt nhiều trường khu vực trung tâm đều có sĩ số vượt quy định cho phép. Mặt khác, quy định đeo khẩu trang trong trường học đã được siết nghiêm, yêu cầu thực hiện toàn thời gian trên lớp, trừ khi ăn bán trú.

Để giám sát, chúng tôi có hơn 1.000 camera theo dõi, nếu phát hiện trường nào không thực hiện sẽ xem xét xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, quy định trên được cho là gây khó cho nhà trường, đặc biệt đối với học sinh tiểu học. Do đó, cần có tính toán, hướng dẫn cụ thể để phù hợp với bối cảnh thực tế”, bà Thu chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Phúc Tăng, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ Y tế cần có quy định rõ hơn việc đeo khẩu trang trong trường học, vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo sức khỏe cho khối học sinh nhỏ tuổi.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Danh Khoa, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn Việt Nam cho biết: “Việc đeo khẩu trang rất cần thiết trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đường hô hấp vừa giúp trao đổi khí vừa là cơ quan thải độc cơ thể. Chính vì vậy, cần phải linh động quy tắc 5K, có hướng dẫn cụ thể thích ứng đối với từng độ tuổi, từng địa phương, tạo điều kiện cho giáo viên đứng lớp dễ dàng áp dụng quy định cho phù hợp”.

Bên cạnh đó, ông Khoa cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cần tập huấn kỹ năng tổ chức lớp học an toàn cho giáo viên; chuẩn bị tâm lý và kỹ năng tối thiểu cho học sinh để tự bảo vệ bản thân và theo dõi tình trạng sức khỏe của mình.

“Hầu hết trẻ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học đều có thói quen bắt chước người lớn. Chẳng hạn khi ho thường lấy tay che miệng, trong trường hợp trẻ là F0, rất có thể đặt tay vặn van nước, sờ vào nắm cửa lớp… khiến nguy cơ bệnh lây lan nhanh. Ngoài ra, thống kê tại các nước đã cho học sinh tới trường, khi trẻ bị phơi nhiễm Covid-19, mang mầm bệnh không triệu chứng về nhà, khiến những người có nguy cơ cao lại chính là cha mẹ, ông bà, nhất là những người từ 50 tuổi trở lên chưa được tiêm vaccine”, ông Khoa phân tích.

Không nhất thiết cứ có F0 là đóng cửa trường học

Qua phản ánh từ các địa phương, mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể nhưng việc đưa học sinh trở lại trường vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể, ông Nguyễn Nho Huy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine Covid-19 còn thấp, trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%.

Trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch và yếu tố dịch tễ, nguy cơ tại địa phương, cơ sở giáo dục quy định việc dạy học hạn chế bao gồm về thời gian, số lượng học sinh… Theo đó, ở cấp độ dịch 1 và 2, các địa phương có thể dạy học trực tiếp tùy từng điều kiện, cấp độ 3 hạn chế dạy học trực tiếp, cấp độ 4 chuyển hoàn toàn sang dạy trực tuyến.
Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế

Nhiều địa phương đã có kế hoạch mở cửa trở lại trường học tại các quận, huyện vùng xanh từ ngày 15/11 nhưng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học nên lại phải điều chỉnh.

“Một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục”, ông Huy chia sẻ.

Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận: “Mở cửa trường học thì dễ nhưng một khi xuất hiện dịch lại phải đóng thì tình hình trở nên phức tạp, gây tâm lý bất ổn…”.

Cùng quan điểm, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị, Bộ Y tế cần có quy trình hướng dẫn cụ thể về xử lý F0, F1 tại trường học để giúp các địa phương dễ dàng ban hành quyết định đi học trở lại.

“Liệu có phải cứ phát hiện F0 là đóng cửa toàn bộ trường học như nhiều địa phương đã làm thời gian qua. Đáng nói, có trường đóng cửa quá 14 ngày vẫn chưa biết tới bao giờ mở cửa trở lại?”, ông Dũng đặt vấn đề.

Trước những phản ánh trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các địa phương cần bám sát văn bản hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp, trên tinh thần “thích ứng an toàn, linh loạt, hiệu quả”.

“Căn cứ vào cấp độ dịch từ xã, quận/huyện tới tỉnh/thành phố, mỗi địa bàn sẽ có kế hoạch cho trẻ đi học cụ thể. Theo đó, nếu thuộc cấp độ dịch 1 và 2, cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp”, ông Tuyên lưu ý.

Liên quan tới băn khoăn học sinh đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách, ông Tuyên cho biết: “Có lẽ vì quá nhiều văn bản phòng dịch đã được ban hành nên các địa phương quên mất từ tháng 5/2020 Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

Cụ thể, không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; không áp dụng giãn cách trong lớp học; hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người”.

Qua đây, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, từng trường phải đảm bảo kế hoạch phòng, chống dịch chung và phương án xử lý F0.

“Trong trường hợp xuất hiện F0 tại trường học có thể khoanh vùng lập tức, xét nghiệm dịch tễ sàng lọc F1 cách ly tại nhà hoặc tập trung. Nếu có phong tỏa thì phải tùy từng cấp độ để phong tỏa lớp học hay một tầng hoặc cả tòa nhà. Sau khi phun khử khuẩn qua 24 giờ có thể đưa học sinh, giáo viên lớp khác vào lớp học đó, không nên quá hoang mang… Đó mới là thích ứng an toàn, hiệu quả”, ông Tuyên dẫn giải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.