Thời sự

Mở đường dân chủ, ghi dấu ấn bản lĩnh Hồ Chí Minh

02/01/2016, 07:12

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc đi bầu cử...

9
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia bầu cử Ban sửa đổi Hiến pháp tại Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ 6 - Ảnh: T.L

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, lần đầu tiên người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc đi bầu cử, đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trao đổi với Báo Giao thông, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, nhắc đến cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, không thể không nhắc đến những dấu ấn trong tư tưởng và bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện rõ nét qua việc kiên quyết cho tiến hành cuộc Tổng tuyển cử, bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch.

Khó khăn chồng chất vẫn tiến hành Tổng tuyển cử

Thưa ông, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 được tiến hành trong bối cảnh như thế nào?

Trước tiên phải kể đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Quốc dân Đại hội Tân Trào vào giữa tháng 8/1945. Tuy đây chưa phải là một Quốc hội nhưng nó mang tính đại diện, cho nên trong điều kiện hết sức khó khăn và khẩn trương, chúng ta đã triệu tập được trên dưới 60 đại biểu là những nhân vật có uy tín xã hội, là những trí thức thuộc nhiều thành phần ở nhiều địa phương. Có thể nói, Quốc dân Đại hội Tân Trào là tiền thân của Quốc hội sau này và đồng thời cũng đề ra một cơ chế của một Nhà nước dân chủ đầu tiên, từ đây hình thành nên Chính phủ lâm thời. Sau đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu như là những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ lâm thời ngoài việc diệt giặc đói, giặc dốt là phải sớm tiến hành Tổng tuyển cử để lập ra Quốc hội, sau đó Quốc hội sẽ ban hành Hiến pháp.

Đáng lẽ cuối tháng 12/1945 chúng ta đã tiến hành Tổng tuyển cử nhưng do sự chống phá của các thế lực đối lập, đặc biệt là của hai Đảng Việt Nam quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh (Việt quốc, Việt cách), họ không tham gia Tổng tuyển cử nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục vận động họ rằng, nếu anh yêu nước anh phải tham gia Quốc hội. Khi cuộc Tổng tuyển cử diễn ra rồi thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý phía hai đảng đối lập ấy được cử ra 70 đại biểu. Cuối cùng, Quốc hội khi đó có 403 đại biểu (thay vì chỉ có 333 đại biểu), đó là chi tiết rất riêng của Việt Nam, nhưng quan trọng là nó hướng tới những giá trị phổ quát, tiên tiến của thế giới về cơ chế dân chủ.

Ngoài yếu tố “có thực mới vực được đạo” là lo cái ăn cho dân, việc chống nạn mù chữ cũng là tạo cho dân một công cụ, một nhận thức đầy đủ để thực hiện quyền của mình. Thực ra, mục tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào chống nạn mù chữ là muốn người dân cầm lá phiếu, tự tay viết vào lá phiếu thể hiện nguyện vọng của mình.

Theo dự kiến, ban đầu cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra vào tháng 12/1945, nhưng do một số lực lượng chính trị, nhất là lực lượng theo quân đội Tưởng Giới Thạch chống phá, tẩy chay nên chúng ta phải lùi sang 6/1/1946 mới thực hiện được.

Vào thời điểm đó, trên danh nghĩa thì đất nước ta đã độc lập, nhưng ở miền Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch vẫn chiếm đóng với danh nghĩa là lực lượng đồng minh. Trong Nam thì chiến tranh bùng nổ, cuộc kháng chiến Nam bộ từ 23/9/1945 đã lan ra Nam Trung bộ, nhưng trong bối cảnh ấy cả nước vẫn tiến hành cuộc Tổng tuyển cử với số người đi bầu gần 82% - một con số rất cao, bầu ra được 333 đại biểu Quốc hội khóa I.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Vào thời điểm đó, Việt Nam là một đất nước có đến 90% người dân bị mù chữ, nhưng chúng ta cũng lần đầu tiên tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử, trong đó, yếu tố dân chủ được thể hiện rất rõ.

Khi đó, chúng ta thực hiện cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, tức là mọi công dân đều có quyền đi bầu, không phân biệt nam nữ, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc. Điều này, trong thời đại ngày nay nghe thì đơn giản, nhưng cách đây 70 năm thì không phải nước nào trên thế giới cũng làm được, kể cả một số nước phát triển ở châu Âu, quyền bầu cử vẫn bị phân biệt, không phải phụ nữ nào cũng được bầu cử, ứng cử.

Một điểm khác cần nhấn mạnh là hồi đó tỷ lệ bầu của chúng ta rất cao, đưa ra sự lựa chọn rõ ràng, tạo sự cạnh tranh, tranh cử rất gay gắt, nhưng đó lại chính là sự lành mạnh của một cuộc bầu cử dân chủ.

Cuộc bầu cử khi ấy diễn ra trong bối cảnh phức tạp như thế đã thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam và đặc biệt thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh là đi thẳng vào nền dân chủ hiện đại nhất.

10

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Bản lĩnh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông đánh giá thế nào về vai trò và bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quyết định tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên?

Có lẽ bản lĩnh lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là bản lĩnh của một người đã trải nghiệm rất nhiều trên thực tiễn, tiếp cận với rất nhiều mô hình dân chủ khác nhau, tiếp cận với nhiều mô hình chính trị khác nhau cho nên sự lựa chọn của Người không bao giờ rơi vào sự khuôn mẫu, giáo điều.

Bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện ở việc Người rất tin vào dân, quan điểm của Người là nếu không tin vào dân, nếu muốn cai trị dân thì sẽ không thể làm được gì.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người rất thực tế. Khi thành lập Nhà nước dân chủ, ngay từ đầu Người đã không dùng lời ca ngợi hay chỉ nói về những điểm ưu việt của chế độ, mà vạch ra hạn chế và những yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh nếu không biết giữ gìn phẩm chất thì nó sẽ bị tha hóa. Người rất quan tâm đến việc chống tha hóa trong Nhà nước, cho dù Nhà nước ấy là do cơ chế dân chủ bầu nên nhưng nếu chúng ta không giám sát tốt thì nó sẽ tha hóa từ cán bộ đến cơ chế. Ngay sau khi ra sắc lệnh thành lập cơ quan, tổ chức Chính phủ của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra luôn những sắc lệnh thành lập ban thanh tra đặc biệt và Tòa án đặc biệt để giám sát và xử lý các quan chức. Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Nếu chúng ta không giám sát tốt thì những cán bộ ấy có thể ngày hôm nay rất tốt, cơ chế ấy có thể hôm nay rất dân chủ nhưng ngày mai có thể sẽ thành cán bộ xấu, cơ chế xấu đi ngược lại lợi ích của nhân dân”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.