Sáng 19/5, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đã đi kiểm tra thực địa để nghiên cứu khả năng mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành) lên 10-12 làn xe qua địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, Thứ tưởng Lê Anh Tuấn cũng kiểm tra phương án đề xuất sử dụng phần đất trong hành lang an toàn đường cao tốc đoạn từ đường Võ Chí Công đến đường Nguyễn Duy Trinh qua địa bàn Q.2 và Q.9 (TP.HCM).
Tại buổi kiểm tra, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường Nguyễn Thị Tư vào cảng Phú Hữu (Q.9) có chiều dài khoảng 1,5km, bề rộng mặt đường chỉ 7-8m nhưng có mật độ xe container, xe tải lưu thông rất lớn. Dọc tuyến có trường học, dân cư sinh sống rất đông đúc nên nhiều năm qua, tuyến này trở thành “điểm đen” về TNGT. Cụ thể trong năm 2017 xảy ra 8 vụ làm chết 8 người, 3 người bị thương, năm 2018 có 4 người chết. Trong năm 2019 xảy ra 8 vụ làm chết 8 người.
Theo Sở GTVT TP.HCM, phương án tổ chức giao thông hiện nay là cấm ô tô tải trên 3,5 tấn lưu thông vào các khung giờ cao điểm, hạn chế tốc độ lưu thông tối đa 40km/h. Hiện nay, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án mở rộng tuyến 30m nhưng chưa thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Qua khảo sát đường dưới dạ cầu cạn cao tốc Long Thành trước đây là đường công vụ thi công dự án đường cao tốc (đoạn từ Võ Chí Công đến Km 4+330) đến đường Nguyễn Duy Trinh dài khoảng 1,578km rộng 9,7m, tĩnh không đạt 5,2m trở lên.
Phía dưới dạ cầu trong phạm vi mặt bằng giữa 2 trụ cầu cạn cao tốc có thể mở một tuyến đường cho xe dưới 2,5 tấn và xe máy lưu thông 2 chiều ra đường Võ Chí Công. Sau khi hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, kéo giảm tai nạn trên tuyến đường này.
Dự kiến nguồn vốn đầu tư tuyến đường này là 34 tỷ nếu được triển khai sẽ hoàn thành trong năm 2021. Để tuyến đường sớm được triển khai Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận để Sở báo cáo, trình UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án.
Sau khi đi khảo sát thực tế tuyến cao tốc Long Thành và đường Nguyễn Duy Trinh nghe các đơn vị báo cáo sơ bộ, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhận định: Đối với tuyến đường dưới dạ cầu cạn cao tốc phải tính toán kỹ các phương án. Việc này Thứ trưởng giao Cục QLĐB IV phối hợp với đơn vị quản lý đường cao tốc, Sở GTVT TP rà soát thống nhất trình Bộ GTVT xem xét.
“Đường cao tốc Long Thành hiện đã quá tải việc đề xuất mở rộng thêm làn xe là cần thiết. Việc nghiên cứu lập dự án mở rộng phải đảm bảo tính kết nối giao thông với đường Vành đai 2, Vành đai 3… và có hệ thống đường gom, đường song hành. Do vậy, TP.HCM cần phối hợp làm việc thống nhất với Đồng Nai hoàn thiện phương án, nguồn vốn đầu tư để có cơ sở trình Chính phủ xem xét đưa vào quy hoạch”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó vào tháng 12/2019, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc Long Thành lên 6-8 làn xe. Với qui mô 4 làn xe hiện hữu, hiện tuyến cao tốc này đang có hiện tượng quá tải, thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng xe trên tuyến ngày càng tăng. Việc tăng thêm 4 làn xe để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn giao thông.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cũng xác định tiến trình đầu tư dự án đường cao tốc Long Thành sẽ được thực hiện từ năm 2020 với qui mô 6-8 làn xe.
Mới đây, trước tình trạng kẹt xe trên cao tốc Long Thành ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu cho mở rộng đường cao tốc Long Thành lên 12 làn xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận