Xã hội

Mô hình chính quyền đô thị TP.HCM: Cần giám sát, tránh lạm quyền

26/10/2020, 18:02

Tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng, cần tăng giám sát để tránh lạm quyền.

img
Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Trao đổi với PV Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến tán thành với việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.

Đại biểu Sinh cho rằng, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền TP HCM phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Việc này phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong thời gian thực hiện thí điểm trước đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị tại TP HCM.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng cho hay, theo dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM sẽ không còn HĐND quận, huyện, phường trong thời gian tới. Việc này sẽ góp phần tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời, công việc của người dân, doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh, tiết kiệm thời gian và chi phí cho xã hội.

Tuy nhiên, ông Sinh đặt vấn đề, để thực hiện được việc này cần tránh lạm quyền. Cần phải tăng quyền giám sát cho cấp trên và tổ chức khác như Mặt trận Tổ quốc.

“Có 2 điều tôi cho rằng rất quan trọng, đó là cách thức tổ chức thực hiện, làm sao cùng với bộ máy như vậy, con người như vậy – gọn nhẹ lại nhưng vẫn đạt được hiệu quả, mục tiêu. Điều thứ hai đó là quyền đại diện của người dân không bị mất đi, các tổ chức vẫn giám sát được quyền lực của các cơ quan công quyền”, ông Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

img
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Trước đó, chiều 26/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, TP HCM đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình phát triển, TP HCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.

Do đó, yêu cầu quản lý đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM đã được nghiên cứu, xây dựng và đánh giá tác động kỹ lưỡng; đã tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan trung ương có liên quan, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, hội nghị và nhận được sự tán thành của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, với một số nội dung cơ bản về quy định việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Trong đó, chính quyền địa phương ở TP HCM gồm có HĐND và UBND thành phố; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường; việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP HCM (bao gồm huyện, thành phố thuộc TP HCM; xã, thị trấn) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết thêm, dự thảo Nghị quyết giao cho Chính phủ và HĐND, UBND TP HCM căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và các đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

"Để đảm bảo tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường tại TP HCM, dự thảo Nghị quyết đã quy định một số nội dung chuyển tiếp", ông Lê Vĩnh Tân cho hay.

Nếu Nghị quyết được QH thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.