Xã hội

Mơ hồ khi coi "nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục"... là quấy rối tình dục

01/06/2022, 12:06

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, coi "nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục"... là hành vi quấy rối tình dục tưởng chừng như rất cụ thể nhưng rất mơ hồ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang lấy ý kiến bộ ngành liên quan Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

img

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn... tại nơi làm việc được xếp là hành vi quấy rối tình dục. Ảnh minh họa

Theo Dự thảo, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi "có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận".

Có 3 hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể.

Nhiều quy định mơ hồ, khó xác định, khó xử lý

Trả lời Báo Giao thông, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, đây là ý tưởng không mới. Khi có Dự thảo về Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tức là xã hội đang tồn tại vấn đề đó.

img

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Song, ông Bình cho rằng: "Không cần tới bộ quy tắc ứng xử quấy rối tình dục nơi làm việc, những công nhân, lao động, cán bộ công nhân, viên chức vẫn thực hiện tốt điều này. Quan trọng nhất là mỗi thành viên cần thực hiện tốt, chuẩn mực về đạo đức và các nguyên tắc ứng xử nơi công cộng, nơi làm việc.

Nội quy nơi làm việc cũng có đề cập tới các vấn đề này. Khi người ta làm đúng quy định thì làm gì có chuyện quấy rối(?)!".

Phân tích kỹ hơn, ông Bình nhận định, Bộ quy tắc này tưởng chừng như rất cụ thể nhưng rất mơ hồ, không thể gỡ rối hay phân định rõ ràng về các hành vi được cho là quấy rối tình dục.

"Rất khó để xác định các hành vi như: "Nháy mắt, ánh nhìn gợi tình..." là quấy rối tình dục. Lý do là bởi nó không phải là thứ vật chất hữu hình, khó lưu lại làm bằng chứng.

Điều quan trọng hơn, không phải chỉ nằm ở các định nghĩa, hành vi... mà còn ở động cơ, bối cảnh xảy ra sự việc. Chẳng hạn, một cái nháy mắt bạn bè trêu nhau thì không thể tính là hành vi quấy rối tình dục.

Hay, có thể người này thầm mến mộ người kia, có ánh nhìn hiện tình cảm, nhưng người tiếp nhận không chấp nhận tình cảm đó, cũng không thể là quấy rối tình dục".

Trước ý kiến, chuyện không đồng thuận mới là tiêu chí để xác định quấy rối chứ không phải là vấn đề "nháy mắt hay nhìn gợi tình...", ông Bình cho rằng, yếu tố "không đồng thuận" cũng rất khó xác định.

"Ngoài mặt có thể người tiếp nhận không thể hiện là "không đồng thuận", nhưng trong lòng thì không thấy thoải mái vui vẻ về các hành vi này. Nhiều trường hợp nạn nhân bị quấy rối là cấp dưới và việc thể hiện "không đồng thuận" là rất khó", PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho hay.

Tiêu chí không cụ thể, dễ thành "cớ" mất đoàn kết nội bộ

Mặt khác ông Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng: "Ban hành thì dễ nhưng thực hiện thế nào cho đúng, chuẩn mực thì rất khó.

Đó là chưa kể tới việc nếu không đưa ra được cái tiêu chí đánh giá, giám sát, báo cáo cụ thể thì có thể nó sẽ là "cớ" để chính các lao động tố nhau khi không vừa lòng một ai đó, gây mất đoàn kết nội bộ".

cái tiêu chí đánh giá, giám sát, báo cáo cụ thể thì có thể nó sẽ là kênh để chính các lao động tố nhau khi không vừa lòng một ai đó, gây mất đoàn kết nội bộ
Theo chuyên gia, tiêu chí đánh giá, giám sát, không cụ thể có thể khiến các lao động tố nhau khi không vừa lòng một ai đó, gây mất đoàn kết nội bộ

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc thể hiện sự máy móc, quẩn quanh, lan man, tự đưa mình vào điều phức tạp, thậm chí không thể giải quyết được.

"Khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử hay quy định của một văn bản quy phạm pháp luật, việc đầu tiên là phải trong sáng, dễ hiểu và không thể hiểu nhiều cách khác nhau.

Nếu càng đi vào chi tiết càng phải đòi hỏi độ chính xác cao. Đối với những quy định mù mờ, không xác định được tính chất của hành vi, thì không áp dụng được vào trong thực tế đời sống.

Chẳng hạn, như trường hợp nạn nhân bị quấy rối là cấp dưới như tôi nhắc đến ở trên, khi cảm thấy không thoải mái thì báo cáo cho ai - khi chính người quấy rối là cấp trên? Vấn đề này cũng chưa được đề cập...", ông Bình phân tích.

3 hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Theo dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, có 3 hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm:

Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có hành động, cử chỉ, tiếp xúc cơ thể hoặc cố tình động chạm, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp... cho tới cưỡng dâm, hiếp dâm;

Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục, kể truyện cười gợi ý về tình dục, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc nhằm vào họ, mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...;

Quấy rối tình dục phi lời nói gồm dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Ngược lại, các hành vi không được coi là quấy rối tình dục bao gồm khen ngợi, khích lệ thông thường. Còn hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi cấm như giao cấu với trẻ em) được đối phương đáp ứng lại dù không được xem là quấy rối nhưng có thể vi phạm kỷ luật lao động doanh nghiệp nếu có trong nội quy công ty.

Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được khuyến nghị áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; dù sản xuất hay kinh doanh, dịch vụ; cả khu vực công và khu vực tư nhân; bất kể quy mô.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.