Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể sáng 20/5. Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, báo cáo đề cập nhiều vấn đề về giao thông với gam màu sáng. Từ nay đến năm 2025, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 3.000km đường cao tốc, mở ra không gian, động lực phát triển mới.
Kịp thời gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm
Theo Phó thủ tướng, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong nước các hoạt động kinh tế - xã hội sôi động hơn. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong 3 năm qua. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,93% cùng kỳ. FDI đạt 6,28 tỷ USD, tăng cao nhất trong 5 năm. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đó, hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Xây dựng hạ tầng là điểm sáng
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một trong những thành tựu nổi bật nhất của năm 2023 là công tác giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Điểm sáng này tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, trong báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi khi các công trình giao thông trọng điểm quốc gia đẩy nhanh tiến độ.
Về tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Chính phủ đã làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia theo tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất.
Các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia được đẩy mạnh. Cụ thể như khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (30km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79km), nâng tổng số kilomet đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000km. Dù vậy, Phó thủ tướng cũng thừa nhận, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức…
Phấn đấu năm 2025 khai thác 3.000km cao tốc
Về giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra, áp dụng hóa đơn điện tử.
Đồng thời, Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Trong đó, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hoặc chậm giải ngân sang các bộ, cơ quan, địa phương khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km, mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics.
Đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
Xem xét thông qua Luật Đường bộ, Luật Trật tự ATGT đường bộ
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp diễn ra trong 26,5 ngày, chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 20/5 - 8/6; đợt 2 từ ngày 17 - 28/6.
Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.
Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm nhiều của cử tri và nhân dân cả nước.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024; xem xét, quyết định, cho ý kiến về các chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)...
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu:
Cử tri chờ những quyết sách kịp thời
Tôi theo dõi thông tin về kỳ họp rất sát sao. Ngay đầu kỳ họp, Quốc hội đã bầu ra tân Chủ tịch Quốc hội. Tôi kỳ vọng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong số 10 dự án luật dự kiến thông qua, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào các Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tôi mong Quốc hội sẽ phát huy cao độ trí tuệ tập thể, kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp, tháo gỡ điểm nghẽn để bảo đảm an sinh xã hội, an toàn giao thông, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Mặt khác, tôi cũng kiến nghị Quốc hội tập trung thảo luận về "cơn sốt đất đai" hiện nay. Thời gian qua, giá bất động sản ở nhiều nơi bị đẩy lên mức quá cao, vượt tầm với của đa số người dân có nhu cầu. Tôi mong các đại biểu chất vấn, thảo luận làm rõ để tìm ra lý do, tìm ra giải pháp.
Bà Bùi Thị An (nguyên ĐBQH khóa XIII):
Trách nhiệm nặng nề của đại biểu
Kỳ họp thứ 7 lần này, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 11 dự án luật. Có lẽ đây là số lượng dự án luật thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ kể đầu nhiệm kỳ.
Đặc biệt có nhiều dự án luật ảnh có tác động đến trực tiếp đến người dân. Chính vì thế nhiệm vụ của các đại biểu hết sức nặng nề. Điều này đòi hỏi các đại biểu phải tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng để góp ý kiến, từ đó Quốc hội đưa ra quyết sách phù hợp.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế):
Mong các luật sớm đi vào cuộc sống
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban trong công tác thẩm tra các tờ trình, các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội. Cử tri và nhân dân đều kỳ vọng mỗi một dự luật được thông qua đều sớm đi vào cuộc sống.
Trách nhiệm của đại biểu cũng rất quan trọng, làm sao góp ý "đúng" và "trúng" vào các nội dung kỳ họp một cách tích cực, chất lượng.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội):
Các dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng
Trước khi diễn ra kỳ họp, các Ủy ban của Quốc hội đã chủ động tham gia ý kiến, nhất là dự thảo báo cáo của Chính phủ, các dự án luật đã được các Ủy ban của Quốc hội tham gia rất trách nhiệm. Nhiều dự án được các bộ, ban ngành tổ chức các hội thảo, hội nghị đóng góp ý kiến, tiếp thu một cách toàn diện.
Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ 7 vẫn tổ chức làm hai đợt họp tập trung, có một thời gian nghỉ giữa hai đợt họp để các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ có thời gian tổng hợp, tiếp thu và giải trình những vấn đề mà các đại biểu có ý kiến. Đây là sự linh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Phùng Đô - Trang Trần (ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận