Toàn cảnh phiên thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng |
Đây là dự án Luật được đánh giá rất phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau và dự kiến được thông qua vào Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Đánh thuế 45% tài sản bất minh: Người đồng tình, người băn khoăn
Sau khi tiếp thu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, lần này, dự thảo bổ sung quy định xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Theo đó, Chính phủ đề xuất hai phương án xử lý là đánh thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất 45%; hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Cả hai phương án trên đều không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, nếu cơ quan chức năng chứng minh tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý đó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Nghiêng về phương án đánh thuế 45%, song ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, cần làm rõ thế nào là “không giải trình một cách hợp lý”, bởi việc đánh giá phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người đánh giá. Vì thế, cần quy định mang tính nguyên tắc trong trường hợp này. ĐB Phan Hồng Phong (Hậu Giang) không đồng tình với cả 2 phương án. Theo ông Hiển, nghĩa vụ chính là của người kê khai, còn nếu không kê khai, kê khai không hợp lý, không hợp pháp thì phải sung vào công quỹ.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, trường hợp kê khai không đúng bị phát hiện thì kỷ luật, cách chức, nếu đương chức thì không quy hoạch, không đề bạt, không bổ nhiệm hoặc không cơ cấu vào cơ quan dân cử.
Nữ ĐB Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh, cần phải phân biệt tài sản tham nhũng và tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý. Việc quy định đánh thuế như phương án 1 là không thuyết phục vì có thể phần tài sản này đã được nộp thuế hoặc không thuộc trường hợp đánh thuế. Phương án xử phạt hành chính là phù hợp, dù cũng còn non về mặt pháp lý.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị loại khỏi dự thảo phương án đánh thuế 45%, vì theo ông, không thể tìm ra lý do để đưa một quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân vào nội hàm của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Mặt khác, ông Sơn cho rằng, không có cách gì để hợp nhất 2 định nghĩa thu nhập kê khai không trung thực và thu nhập tăng thêm không được giải thích một cách hợp lý về nguồn gốc. “Căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề này còn rất mong manh”, ông Sơn nhấn mạnh cho biết nhất trí với phương án 2.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận |
Chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước
Một nội dung mới khác của dự thảo Luật là quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước; áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.
Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phân tích, qua theo dõi các vụ án thời gian qua cho thấy tham nhũng không chỉ xuất hiện trong khu vực Nhà nước, các hiện tượng “sân sau”, “gửi giá”, “lại quả” đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước. Vì thế, đã đến lúc cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đồng tình với việc mở rộng phạm vi này. Bởi, hiện nay tham nhũng trong khu vực tư cũng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Bà Hoa cũng lưu ý việc mở rộng cần tránh nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng từ khu vực công sang khu vực tư. Bởi phòng trong khu vực công thường khó khăn và động chạm nên các cơ quan này có thể “ưu tiên” khu vực tư hơn.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) sử dụng quyền tranh luận để thể hiện quan điểm không đồng tình mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước, bởi “khu vực công còn chưa thể chống được thì mở ra ngoài lấy đâu công sức, nguồn lực để làm?”.
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị luật phải thiết kế một điều để kiểm soát người có chức vụ, quyền hạn mà vợ, chồng, con làm chủ doanh nghiệp nhằm ngăn chặn hiện tượng “phía sau một người có chức vụ, quyền hạn có một người vợ, chồng, con quản lý doanh nghiệp thành đạt”. Đặc biệt, ông Diến đề nghị bổ sung quy định không bố trí người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở địa phương mà vợ, chồng, con có doanh nghiệp hoạt động để tránh lợi dụng ảnh hưởng trục lợi.
Mở rộng đối tượng kê khai tài sản, lo quá tải
Về mở rộng đối tượng kê khai tài sản, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) thống nhất với quy định mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập nhằm tiến tới tất cả cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản. Đồng thời, dự thảo luật đã tính toán đến phương án tích hợp các cơ sở dữ liệu để kiểm soát tài sản ngay từ đầu và quy định nhiều đợt kê khai tài sản khác nhau để phục vụ cho công tác cán bộ. Tuy nhiên, bà băn khoăn về khả năng thực hiện của các cơ quan được giao kiểm soát tài sản và việc chọn ngẫu nhiên đối tượng kiểm soát.
ĐB Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) băn khoăn nếu đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập rộng thì dễ dẫn đến việc thực hiện còn mang tính hình thức. Vì vậy, theo bà Ngọc, không nên mở rộng như trong dự thảo luật mà nên thu hẹp. Việc kiểm soát tài sản thu nhập cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở T.Ư và địa phương và thuộc các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao.
Báo cáo làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật cho phù hợp.
“Bó tay” với tài sản quan chức nhờ đứng tên? Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội về đối tượng kê khai tài sản, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho rằng, đối tượng kê khai chỉ nên tập trung vào một số đối tượng là người thân của cán bộ công chức như bố mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em ruột... Nhưng đáng tiếc là dự thảo lần này không đưa được những điều này vào bởi có nhiều ý kiến phản đối. Dự thảo hiện tại chỉ quy định đối tượng kê khai tài sản ngoài quan chức có cả vợ, chồng và con chưa thành niên. Theo Cục trưởng Phạm Trọng Đạt, nếu quy định như vậy thì tài sản của quan chức mà đứng tên anh, chị em, bố mẹ, các cơ quan chức năng cũng “bó tay”. “Bởi thực tế bây giờ quan chức có 4, 5 cái nhà thì họ cũng không bao giờ lấy tên mình hay vợ, chồng mình cả. Đây là kẽ hở để quan chức chuyển tài sản của mình cho người khác”, ông Đạt nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận