Thời gian gần đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam chú trọng hợp tác quốc tế để phát triển ngành đường thủy theo hướng hiện đại (Trong ảnh: Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chứng kiến lễ ký kết giữa đại diện Nhóm vận tải thủy VN và đối tác Hà Lan) |
Khai thác tiềm năng vận tải xuyên biên giới
Đầu năm 2018, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam chủ trì tổ chức thành công hội nghị song phương cấp cục giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc thực hiện “Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại Khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân” (Móng Cái, Quảng Ninh được Chính phủ hai nước ký kết năm 2015). Hai bên đã thống nhất dự thảo chế độ quản lý khu vực phương tiện thủy lưu thông tự do, tiến tới cho phép phương tiện hoạt động trên thực tế. Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng khảo sát thực địa luồng tuyến, sẵn sàng đề xuất công bố mở tuyến, tạo kết nối vận tải thủy từ luồng quốc gia vào khu vực trên. Khu vực phương tiện thủy tự do đi lại này được kỳ vọng sẽ thu hút vận tải thủy tham gia vận chuyển hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái, giảm giá thành vận tải so với hiện nay.
Ngoài tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống và tiềm năng như: Trung Quốc, Campuchia, Bỉ, Hà Lan, Canada, Hàn Quốc,… Cục ĐTNĐ Việt Nam còn mở rộng hợp tác chặt chẽ, tham gia các hoạt động trong khối ASEAN và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông. Trong đó, có những nội dung cụ thể đang được triển khai như: Hoàn thiện dự án nghiên cứu phát triển vận tải thủy giữa 5 nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Đường thủy cũng phối hợp với Cục Hàng hải VN để hoàn thiện thủ tục nội bộ và các thủ tục liên quan để ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Hải cảng Nhật nhằm trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy đầu tư vận tải kết nối cảng biển và cảng thủy với Nhật Bản. |
Trong khi đó, để khai thác tốt hơn tiềm năng vận tải thủy phía Nam, Cục ĐTNĐ Việt Nam thường xuyên khảo sát đề xuất các bộ, ngành liên quan và phía nước bạn Campuchia tạo thuận lợi cho tuyến vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Tuyến đường thủy này được kết nối qua sông Tiền, sông Hậu và tới Thủ đô của Campuchia. Đến nay, sau 8 năm hoạt động, năm nào cũng có hơn 300 nghìn lượt phương tiện thủy “xuất cảnh”, vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng hóa và gần 100 nghìn lượt người qua lại giữa hai nước bằng đường thủy.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, tuyến này vẫn còn nhiều tiềm năng. Cục ĐTNĐ Việt Nam thường xuyên khảo sát, tiếp cận doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp nhằm khơi dậy tuyến liên vận đường thủy này. Trong đó, dự kiến đề xuất mở thêm 3 cặp cửa khẩu thủy tại địa bàn tỉnh An Giang, bổ sung 23 cảng thủy nội địa vào danh mục bổ sung hiệp định vận tải giữa hai nước.
Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, để tuyến vận tải này hiệu quả hơn cần có sự thông thoáng hơn trong các thủ tục của các lĩnh vực khác như: Kiểm soát hàng hóa, quá cảnh, cũng như sự thống nhất, phối hợp tốt giữa lực lượng chức năng hai nước về thời gian, quy trình làm thủ tục hàng hóa, phương tiện.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Vài năm gần đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam nỗ lực tạo hiệu quả trong mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực GTVT đường thủy với các nước có công nghệ quản lý, hoạt động vận tải thủy phát triển và các Tổ chức quốc tế về GTVT thủy. Ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, KHCN và Môi trường của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, từ năm 2012 cục đã tham gia và là thành viên của Hiệp hội Vận tải thủy quốc tế (PIANC). Với vai trò thành viên, Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp cận được công nghệ xây dựng hiện đại, phương thức quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng hiệu quả. Cùng với đó, theo ủy quyền của Bộ GTVT, trong khoảng 2-3 năm gần đây, cục trực tiếp làm việc, trao đổi với đại diện của nhiều nước có thế mạnh về giao thông đường thủy Chính phủ vùng Flander Vương quốc Bỉ, Hà Lan. Giữa Cục ĐTNĐ Việt Nam và các cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp của các nước có các ký kết hợp tác phát triển.
Có thể kể đến như việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông, công trình công cộng của Chính phủ vùng Flander thực hiện các hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý đường thủy; tổ chức các hội nghị, hội thảo tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý, phát triển vận tải thủy và xúc tiến đầu tư.
Trong tháng 5/2018 vừa qua, ông Filip Boelaert, Tổng thư ký Bộ Giao thông, công trình công cộng Flanders và Cục trưởng Hoàng Hồng Giang đã thống nhất một số nội dung hợp tác quan trọng giữa hai bên. Trong đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ phối hợp với Tập đoàn Rent A Port và IAI nghiên cứu, triển khai thí điểm công nghệ sử dụng bùn thải tận thu từ quá trình nạo vét luồng đường thủy nội địa tận dụng cho các mục đích khác. Nghiên cứu, triển khai dự án vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng vận tải thủy nội địa (như gom hàng hoa quả từ nơi sản xuất, trung chuyển tới các cảng biển và thủy sản từ khu chế xuất đến cảng Trần Đề). Thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa Cục ĐTNĐ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải thủy quốc tế, xúc tiến việc thành lập Chi nhánh hiệp hội tại Việt Nam. Hai bên thống nhất duy trì chương trình Đào tạo của Trung tâm đào tạo cảng Antwer (APEC) cho các cán bộ của Cục, thúc đẩy hợp tác giữa Trung tâm đào tạo cảng Antwerp với các trường dạy nghề thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam.
Tiếp cận xu thế phát triển hiện đại
Chỉ trong vài năm gần đây, lĩnh vực đường thủy có sự bước tiếp nhanh chóng về đầu tư và quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy. Có thể kể đến như việc quản lý tự động, từ xa đối với phao, đèn tín hiệu đường thủy thông qua hệ thống định vị GPS và trung tâm quản lý ATGT, xây dựng bản đồ điện tử đường thủy, thí điểm làm thủ tục từ xa cho phương tiện vào, ra cảng bến qua tin nhắn điện thoại; lắp đặt hệ thống tự động đo, báo mực nước, cảnh báo phòng ngừa phương tiện thủy va trôi vào các tàu, thử nghiệm phao báo hiệu đường thủy bằng nhựa; xây dựng văn phòng điện tử và báo cáo, thông tin quản lý chuyên ngành trực tuyến; khuyến khích kết nối vận tải đường thủy và cảng biển bằng tàu container...
Để từng bước đồng bộ hóa hiện đại phương tiện theo chuẩn thế giới, Bộ GTVT mới đây đã phê duyệt Đề án lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo lộ trình, đến năm 2020, tất cả tàu chở khách cao tốc, tàu pha sông biển cấp VR-SB, tàu chở container, hàng hóa nguy hiểm, phương tiện thi công, nạo vét, chuyên chở vật liệu xây dựng; phương tiện thủy chở hàng có trọng tải trên 1.000 tấn, chở khách từ trên 50 khách; tàu phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng, trục phao; điều tiết, chống va trôi đảm bảo ATGT đường thủy, thi công, nạo vét luồng đường thủy được quản lý qua thiết bị tự động trên.
Giai đoạn 2021-2022, nhóm phương tiện phải lắp AIS,VHF gồm: Các phương tiện chở hàng, tàu kéo có trọng tải toàn phần từ 500 đến dưới 1.000 tấn, phương tiện chở khách từ 20 đến dưới 50 khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận