Hạ tầng

Mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, ACV phải “xin” ai?

26/05/2020, 06:38

Đề xuất mở rộng nhà ga T2 Nội Bài đang gặp nhiều trở ngại khi còn tranh cãi trong việc xin cơ quan chủ quản hay địa phương về chủ trương đầu tư…

img
Kiểm tra an ninh hàng không tại Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài

ACV vừa đề xuất đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng mở rộng, nâng công suất nhà ga quốc tế T2 Nội Bài thêm 5 triệu khách/năm. Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp nhiều trở ngại khi vẫn còn tranh cãi trong việc xin cơ quan chủ quản hay địa phương về chủ trương đầu tư…

Có cần thiết xin địa phương duyệt chủ trương?

Chỉ 6 năm sau khi chính thức đưa vào khai thác, nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Nội Bài đã vượt công suất thiết kế. Cụ thể, ngay năm 2019, nhà ga này đã đón tới hơn 11,4 triệu khách trong khi công suất thiết kế chỉ 10 triệu khách.

Để khắc phục tình trạng quá tải này, căn cứ theo Luật Đầu tư, ACV gửi hồ sơ lên Sở KH&ĐT Hà Nội đề xuất đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng mở rộng, nâng công suất nhà ga quốc tế T2 Nội Bài thêm 5 triệu khách/năm, đáp ứng sự tăng trưởng hành khách thông qua CHK Nội Bài giai đoạn 2020 - 2030. Hiện tại, Sở KH&ĐT Hà Nội đang xin ý kiến các Bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… về sự phù hợp với quy hoạch, hiệu quả kinh tế, năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bất ngờ mới đây, trong văn bản trả lời Sở KH&ĐT về việc lấy ý kiến thẩm định dự án này, lãnh đạo “siêu” Ủy ban cho rằng, dự án không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP Hà Nội.

Cụ thể, văn bản do Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà ký nêu rõ, dự án xây dựng nhà ga T2 là một hạng mục của CHK quốc tế Nội Bài, không phải là CHK (do không có sân bay và trang bị, thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không theo định nghĩa tại Luật Hàng không dân dụng). Dự án cũng không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư do có quy mô vốn dưới 5.000 tỷ đồng.

“Theo bản đề xuất đầu tư của ACV, dự án không đề nghị Nhà nước giao thêm đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất mới, không sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao. Do đó, căn cứ vào quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư, dự án không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP Hà Nội”, bà Hà khẳng định và cho rằng, nếu chỉ đầu tư mở rộng nhà ga hành khách T2 CHK quốc tế Nội Bài với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.051 tỷ đồng, không yêu cầu nhà nước giao thêm đất, dự án sẽ không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.

Cũng theo bà Hà, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69), người đại diện vốn tại ACV có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Ủy ban trước khi tham gia biểu quyết về việc đầu tư dự án.

“Chồng chéo Luật, DN một cổ hai tròng”

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Lê Đồng, Trưởng ban QLDA nhà ga T2 Nội Bài cho biết, đơn vị này đang phải vừa tiếp tục giải trình với Sở KH&ĐT Hà Nội, vừa báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Giữa các luật vẫn còn những vấn đề chồng chéo. Luật Đầu tư yêu cầu triển khai dự án phải xin chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dự án này bản chất là phân kỳ đầu tư, việc triển khai mở rộng lần này thực chất chỉ là triển khai nốt giai đoạn tiếp theo của dự án đã được quyết định từ thời điểm trước. Nếu vận dụng như quan điểm của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì rất thuận lợi. Tuy nhiên, theo quan điểm của ngành KH&ĐT, cứ khi lập dự án thì phải xin chủ trương, lập báo cáo khả thi”, ông Đồng cho hay.

ACV đề xuất đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng mở rộng, nâng công suất Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài thêm 5 triệu khách/năm nhằm đáp ứng sự tăng trưởng hành khách thông qua CHK Nội Bài giai đoạn 2020 - 2030. Trong số này, chi phí xây dựng hơn 2.100 tỷ đồng; Chi phí máy móc, thiết bị, công nghệ, thương hiệu hơn 1.180 tỷ đồng; Chi phí khác hình thành tài sản cố định 223 tỷ đồng và hơn 520 tỷ đồng chi phí dự phòng.


Một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cũng cho rằng, đang có độ “vênh” giữa Luật Đầu tư và Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

“Nếu theo Luật Đầu tư, DN đầu tư ở địa phương phải nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư với UBND tỉnh, thành phố. ACV là CTCP nên phải nộp hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư là đúng. Tuy nhiên, với dự án như mở rộng nhà ga hành khách T2, không hoàn toàn như vậy. Việc mở rộng nhà ga hành khách này, theo Luật Hàng không dân dụng và Nghị định 102 về quản lý, khai thác CHK, sân bay sẽ thuộc thẩm quyền của Cục Hàng không VN”, vị này nói và phân tích: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nhìn từ khía cạnh chủ sở hữu nhà nước và theo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và cho rằng ACV có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Ủy ban trước khi tham gia biểu quyết về việc đầu tư dự án.

“Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều vấn đề chưa thể rõ ràng. Rất không may cho ACV đang ở vào thế “một cổ hai tròng”, chuyên gia nói.

Khẳng định Luật Đầu tư đang được xem xét sửa đổi, vị chuyên gia cũng cho hay: “Phải nhìn nhận là xã hội đang phát triển, sẽ phát sinh ra những vấn đề mà trước kia khi xây dựng luật, Ban soạn thảo chưa nhìn thấy. Luật Đầu tư sửa đổi sẽ giải quyết các vấn đề phát sinh đến thời điểm sửa, nhưng sẽ lại tiếp tục có những những vấn đề khác phát sinh sau đó nữa”.

“Một mặt phải sửa đổi, cập nhật, giải quyết các mâu thuẫn, mặt khác vẫn phải sẵn sàng cho những vấn đề phát sinh. Đó là thực tế ở một xã hội đang phát triển”, chuyên gia khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.