Ngày 31/5, UBND TP Thủ Đức (TP Thủ Đức) phối hợp với Phân hiệu trường Đại học Thủy Lợi tổ chức tọa đàm, chủ đề "Thực trạng và giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn TP Thủ Đức".
Nhiều nguyên nhân ngập khu vực chợ Thủ Đức
Theo ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức, hiện TP Thủ Đức có 24 điểm ngập và 13 điểm theo dõi ngập. UBND TP Thủ Đức quản lý, giải quyết 13 điểm ngập và 12 điểm theo dõi ngập; các Sở, ngành TP.HCM quản lý, giải quyết 11 điểm ngập và 1 điểm theo dõi ngập.
Theo ông Nghĩa, TP Thủ Đức có 3 khu vực tập trung nhiều tuyến đường ngập cần được giải quyết ngay, bao gồm: khu vực phường Thảo Điền (gồm 3 điểm ngập là đường Thảo Điền, đường Quốc Hương, đường Trần Ngọc Diện); khu vực phường Hiệp Phú - Tăng Nhơn Phú A (gồm 2 điểm ngập là đường Lê Văn Việt và đường Lã Xuân Oai); khu vực phường Linh Tây, Trường Thọ (khu vực Chợ Thủ Đức - gồm 3 điểm ngập là đường Dương Văn Cam, đường Đặng Thị Rành, đường Kha Vạn Cân).
Trong đó, tại khu vực chợ Thủ Đức, những cơn mưa đầu mùa vừa qua khiến khu vực bị ngập nặng, có nơi ngập trên nửa mét. Đây là nơi có địa hình như lòng chảo, độ dốc quá lớn, khi mưa lớn nước từ các phía tập trung về khu vực chợ Thủ Đức rất nhanh, trong khi hạ tầng thoát nước chưa đầu tư kịp thời và đồng bộ. Tổng lưu vực nước mưa đổ về chợ Thủ Đức lên đến 430ha.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và bê tông hóa cao khiến khu vực bị mất khả năng thấm nước tự nhiên, điều này dẫn đến lưu lượng đỉnh mưa tăng và hệ thống thoát nước xung quanh khu vực chợ Thủ Đức quá tải.
"Đa số các tuyến đường xung quanh chợ Thủ Đức như: Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành có hệ thống cống tròn bằng bê tông cốt thép, đường kính dưới 100cm, đã xây dựng từ nhiều năm trước để chỉ phục vụ thoát nước cho từng tuyến đường cụ thể nên chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước theo vùng, lưu vực. Đồng thời, diện tích các vùng tích trữ nước tạm thời giảm, hệ thống thoát nước chưa xây dựng hoàn chỉnh để đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước dẫn đến việc khi mưa kết hợp triều cường nước không kịp thoát và gây ngập", ông Nghĩa nói.
PGS.TS Lê Song Giang, Trường đại học Bách khoa TP.HCM đồng tình và cho rằng cách "đối xử với địa hình" đã tạo ra những bất lợi. Cụ thể, việc quy hoạch đường giao thông không thuận lợi nên nước tập trung về chợ Thủ Đức, nước lại khó tiêu thoát.
Theo ông Nghĩa, hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân và Hồ Văn Tư) vẫn chưa được ghi vốn để triển khai. Khi mưa to, nước từ các đường này và các tuyến khác đổ dồn nhanh về tuyến rạch cầu Ngang.
Tuy nhiên, cầu Ngang (trên đường Kha Vạn Cân giao với rạch cầu Ngang) có chiều rộng hẹp, khoảng 5,3m, là vị trí "thắt cổ chai" nên khả năng thoát nước rất hạn chế.
Bên cạnh đó, tổng lưu vực thoát nước của rạch Thủ Đức là 675 ha, trong khi lòng rạch Thủ Đức bị rác thải, lục bình, cỏ dại bồi lắng, khả năng trữ lượng nước kém, hạn chế khả năng thoát nước ra sông Sài Gòn, dẫn đến tình trạng ngập nước khu vực chợ Thủ Đức.
Giải pháp nào chống ngập tối ưu?
Về giải pháp chống ngập khu vực chợ Thủ Đức, tại hội thảo, các ý kiến đưa ra các phương án trước mắt, trung hạn và dài hạn. Trong đó, trước mắt cần nạo vét hệ thống thoát nước, vận hành các van ngăn triều, cải tạo rạch cầu Ngang...
Về giải pháp dài hạn, căn cơ, TP Thủ Đức phải triển khai thực hiện dự án Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân và Hồ Văn Tư) với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.
Khẩn trương thực hiện dự án Xây dựng mới cống Rạch Cầu Ngang để tăng cường khả năng thoát nước phần thượng lưu rạch Cầu Ngang với tổng kinh phí khoảng 27 tỷ đồng.
Đặc biệt, xin chủ trương xây dựng kè, cải tạo, nạo vét rạch Thủ Đức kết hợp xây dựng trạm bơm (đoạn từ cầu Ngang đến sông Sài Gòn) với quy mô xây dựng kè dự ứng lực dài 3.000m; xây dựng trạm bơm công suất 84.000m3/h; xây dựng đường dọc rạch các đoạn có trong quy hoạch; bổ sung các đoạn theo quy hoạch chưa có... với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.453 tỷ đồng.
Về giải pháp, ông Lê Song Giang, Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, cần giảm lượng nước đổ về chợ Thủ Đức bằng cách tăng diện tích thấm, chia bớt nước đi các hướng khác, làm chậm dòng bằng hồ điều tiết; xử lý cục bộ bằng cách nâng nền, bơm tiêu cưỡng bức và tăng thoát cường nước khỏi khu vực (giảm mực nước tại cửa cống) bằng cách mở rộng rạch Thủ Đức, rạch Cầu Ngang và mở thêm các hướng tiêu thoát nước mới.
PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường TP.HHCM thì cho rằng, TP Thủ Đức cần rà soát, tính toán để có số liệu chính xác khi đưa ra phương án tổng thể, kế hoạch cụ thể chống ngập.
Đặc biệt, cần có tiêu chuẩn thoát nước riêng cho TP.HCM và TP Thủ Đức. Ông Quang đồng tình với phương án cải tạo rạch Thủ Đức để kiểm soát nước, bởi "nếu không thoát nước được thì có làm gì cũng sẽ ngập".
Ông Mai Hữu Quyết, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức nhận định, cải tạo rạch Thủ Đức là dự án mấu chốt để giải quyết việc ngập ở khu vực chợ Thủ Đức. TP Thủ Đức đã tính toán với kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng, đề xuất UBND TP.HCM đầu tư trong giai đoạn 2026-2030. Khi thực hiện xong dự án này mới giải quyết được căn cơ vấn đề ngập tại đây.
Đối với việc xây hồ điều tiết, ông Quyết cho rằng đây là một trong các giải pháp quan trọng, nhưng vì nguồn kinh phí lớn nên chưa thể triển khai, TP Thủ Đức sẽ tiếp tục đề xuất đầu tư trong giai đoạn sau.
Ông Quyết cũng đánh giá, tọa đàm đã mang lại ý nghĩa thiết thực, các chuyên gia đưa ra các ý kiến đóng góp quan trọng để TP Thủ Đức nghiên cứu, triển khai chống ngập. Trong đó, một số ý tưởng như tách dòng, trữ nước... sẽ được TP Thủ Đức nghiên cứu triển khai. Việc trữ nước tại nhà dân chưa khả thi, đơn vị sẽ thí điểm ở một số công trình như trường học, công viên... để giảm lượng nước đổ dồn về khu vực chợ Thủ Đức.
"Một giải pháp quan trọng phi công trình là giải pháp quản lý, điều hành, kiểm soát cống, kiểm soát triều, tăng hệ thống bơm... Nhưng theo tôi, cái quan trọng gần như có ý nghĩa quyết định đó là thực hiện tốt Chỉ thị 19 của Thành ủy. Đó là cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước.
Trước giờ chúng ta chỉ nghĩ giảm rác để thành phố sạch thôi, nhưng rác là nguyên nhân chính làm cho việc ngập ngày càng trầm trọng thêm", ông Quyết nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận