Cuộc sống an toàn

Mở rộng tuyên truyền ATGT cho đồng bào miền núi, kiềm chế TNGT

30/12/2021, 07:12

Nhiều huyện miền núi Bình Định tập trung tuyên truyền ATGT cho đồng bào dân tộc miền núi. Đây được xem là chìa khóa giúp kéo giảm TNGT.

Tháng 11 vừa qua, chúng tôi có dịp theo đoàn của Ban ATGT tỉnh Bình Định đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho gia đình các nạn nhân bị TNGT trên địa bàn nhân Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT" năm 2021.

Trong số những gia đình chúng tôi ghé thăm, có hộ ông Đinh Tư (làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh). Đây là trường hợp người đồng bào Chăm, có hoàn cảnh rất khó khăn. Bà Bông, vợ ông khi trước kia là lao động chính trong nhà. Bà làm đủ việc lớn nhỏ để kiếm cái ăn qua bữa. Thế rồi biến cố ập đến khi trong một lần đi làm về, bà không may bị tai nạn. Vốn dĩ ốm đau, bệnh tật, cuộc sống của ông Tư giờ đây lại khốn khó hơn rất nhiều sau khi người vợ mất đi vì TNGT. Giữa căn nhà lụp xụp được xây từ lâu, ông Tư chỉ ngồi một chỗ, ánh mắt vô định như lo cho những ngày tăm tối phía trước.

img

CSGT huyện An Lão (Bình Định) tuyên truyền ATGT cho người dân miền núi

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định cho biết, với những gia đình khá giả ở đồng bằng, nỗi đau, nỗi mất mát vì TNGT đã rất lớn. Với những gia đình miền núi, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống phụ thuộc vào nương rấy, vốn dĩ kiếm cái ăn qua ngày đã khó - không may trở thành nạn nhân của TNGT lại là nỗi mất mát lớn hơn nữa. Nhiều gia đình lâm cảnh khốn cùng khi gia đình có người bị tai nạn giao thông. Tốn tiền chạy chữa, thuốc men khiến nhiều gia cảnh trở nên kiệt quệ.

"Nhiều năm qua, trong những đợt thăm hỏi như thế này, chúng tôi cũng tập trung đến chia sẻ với những hộ đồng bào dân tộc ở các vùng núi như An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh không may bị TNGT để động viên, giúp đỡ họ vượt lên trong cuộc sống. Đồng thời, cũng là cách để tuyên truyền ý thức chấp hành luật giao thông trong đồng bào dân tộc miền núi. Bởi điều kiện của họ khó khăn hơn, việc tiếp cận văn hóa từ bên ngoài, trong đó có văn hóa giao thông. Chúng tôi cũng khuyến khích Ban ATGT các huyện, CSGT tuyên truyền cho đồng bào dân tộc miền núi của tỉnh nhằm kéo giảm TNGT. Một phần cũng vì ý thức chấp hành luật giao thông của người đồng bào ở những vùng này còn thấp", ông Chiến chia sẻ.

img

Ban ATGT tỉnh Bình Định hỏi thăm, chia sẻ mất mát vì TNGT với người dân miền núi

Thượng tá Nguyễn Văn Triều, Trưởng công an huyện Hoài Ân, Bình Định cho biết, trong năm qua, đơn vị cũng đã phối hợp với hội phụ nữ huyện tổ chức các đợt tuyên truyền về ATGT cho chị em hội phụ nữ ở các địa phương vùng núi. Từ đó, hội phụ nữ đã tổ chức về tuyên truyền lại cho bà con người đồng bào như Bana tại xã Đak Mang... Hình thành ý thức chấp hành tốt Luật giao thông ở những vùng này, giúp kéo giảm tai nạn.

Nhờ đó, số vụ TNGT trên địa bàn giảm sâu trong năm nay. Cụ thể, năm 2021, trên địa bàn huyện Hoài Ân xảy ra 7 vụ tai nạn, làm chết 6 người, bị thương 3 người. So với năm 2020, giảm 7 vụ, giảm 4 người chết và giảm 4 người bị thương. Trong đó, tình trạng tai nạn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn nhứt nhối như trước kia nữa. Năm nay không xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào liên quan đến người dân tộc thiểu số.

Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng công an huyện Hoài Ân cũng thường xuyên kiến nghị, kịp thời xử lý các điểm đen cũng như đầu tư các tuyến giao thông cho vùng đồng bào dân tộc miền núi. Từ đó, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện cũng như vùng sâu, vùng xa không ngừng được cải thiện, giúp người dân các khu vực này lưu thông thuận tiện, phát triển kinh tế.

img

Ban ATGT huyện Hoài Ân, Hội phụ nữ huyện tuyên truyền ATGT cho hội viên, sau đó, hội viên về các thôn, bản, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền lại cho người dân

Tại địa bàn miền núi An Lão của tỉnh Bình Định, công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Trung tá Trần Ngọc Sơn, Đội trưởng đội CSGT An Lão cho biết, nhìn nhận đây là địa bàn vùng núi, nhiều dân tộc sinh sống, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn. Ngoài ra, trong những năm trước, việc hiểu chấp hành pháp luật, trong đó có luật về giao thông còn hạn chế. Do đó, hằng tháng và đặc biệt trong đợt cuối năm, lực lượng của đơn vị xuống tận các thôn, làng tuyên truyền ATGT cho bà con. Song song với đó, còn thường xuyên tặng quà để từ đó giúp người dân hiểu và chấp hành tốt luật giao thông.

Trong năm vừa qua, Đội CSGT An Lão đã tổ chức 5 đợt tuyên truyền cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Đã tuyên truyền tại 57/57 khu dân cư với hơn 3.400 lượt người tham dự. Đã có 100% hộ gia đình ký cam kết chương trình "5 có, 5 không". Trong đó có nội dung đảm bảo trật tự ATGT là "gia đình không có thành viên vi phạm ATGT".

Tuy trong năm 2021, trên địa bàn huyện An Lão xảy ra đến 10 vụ TNGT, làm chết 4 người, bị thương 16 người. Tăng 3 vụ, tăng 1 người chết và tăng 8 người bị thương so với năm 2020. Tuy nhiên, số vụ TNGT chủ yếu xảy ra tại ĐT629. Không có vụ tai nạn nào do người đồng bào dân tộc thiểu số gây ra.

"Hiện tại, khó khăn nhất là bà con người đồng bào không có điều kiện để thi để được cấp GPLX. Có đến 60% người đồng bào chưa đảm bảo điều kiện này. Do đó, đơn vị thường xuyên nhắc nhở bà con hiểu và chấp hành. Ngoài ra, do đặc thù miền núi nên đơn vị thường xuyên tuyên truyền bằng panô, băng rôn về việc không được uống rượu bia khi tham gia giao thông, về sự nguy hiểm của việc sử dụng bia rượu. Từ đó, giúp bà con thấy được nguy cơ xảy ra TNGT sau khi uống bia rượu", trung tá Sơn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.