Cơ sở tôn giáo, quản lý di tích mở tài khoản ngân hàng để tiếp nhận tiền công đức, việc dùng tiền công đức cho các hoạt động tài trợ phải chuyển khoản, thanh toán điện tử.
Theo dự thảo thông tư mới, đơn vị tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng (Ảnh minh họa)
Phân chia cụ thể việc quản lý, sử dụng tiền công đức
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo (lần 3) Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Nội dung dự thảo lần này chi tiết hơn so với 2 lần trước.
Theo đó, dự thảo đề xuất đơn vị tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt phải có ghi sổ đầy đủ. Đối với tiền trong hòm công đức, tiền đặt lễ, tiền khấn… định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, cơ sở di tích phải kiểm đếm, ghi sổ số tiền tiếp nhận. Số tiền công đức tạm thời nhàn rỗi được gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.
Bộ Tài chính lý giải, quy định nêu trên nhằm đảm bảo cho việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ được an toàn, thuận tiện; đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của nhiều tổ chức, cá nhân có thể công đức, tài trợ cho di tích trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Thông tư cũng đưa ra cách phân chia việc quản lý, sử dụng tiền công đức đối với một số trường hợp cụ thể. Theo đó, đối với di tích là cơ sở tôn giáo không có hoạt động lễ hội do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thì tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của tổ chức tôn giáo; hoàn toàn do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng.
Đối với di tích là cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích thì tiền công đức, tài trợ cho di tích được trích một phần để chi cho hoạt động tổ chức lễ hội tại di tích; phần còn lại do tổ chức tôn giáo quản lý và sử dụng.
Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ với di tích thuộc sở hữu tư nhân, tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của chủ sở hữu di tích.
Chủ sở hữu có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, đúng mục đích và có hiệu quả.
Minh bạch nguồn thu - chi
Bàn về nội dung này, chuyên gia văn hóa, PGS. TS. Phạm Ngọc Trung, giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học, Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, việc có một Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ở thời điểm hiện tại là rất cần thiết.
“Lâu nay, chúng ta chưa quản lý lĩnh vực này, để cho cơ sở tôn giáo tự thu, tự chi. Trong quá trình thực hiện, có chỗ làm tốt, có chỗ chưa làm tốt”, ông Trung nói và đánh giá, dự thảo quy định trong quản lý và sử dụng tiền công đức chia ra các trường hợp cụ thể là rất phù hợp, thể hiện sự linh hoạt.
Theo ông Trung, đối với di tích là cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức thường có số tiền công đức lớn, vì vậy cần nộp vào Kho bạc Nhà nước để điều tiết. Còn những cơ sở thờ tự nhỏ lẻ nên để họ tự quản lý dòng tiền công đức.
Chúng tôi vừa nhận được dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, hiện nay Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi văn bản đến Ban trị sự Phật giáo các tỉnh để xin ý kiến. Đặc biệt là xin ý kiến các vị trụ trì của các ngôi chùa, di tích cấp tỉnh và quốc gia. Đến ngày 24/4, tới chúng tôi sẽ tập hợp lại các ý kiến.
Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, nếu việc quản lý nguồn tiền công đức tại cơ sở tôn giáo thực hiện qua tài khoản ngân hàng sẽ giúp minh bạch việc sử dụng. Những cá nhân đóng góp tiền vào cơ sở tôn giáo cũng sẽ yên tâm hơn khi biết tiền đóng góp được sử dụng đúng mục đích.
Theo ông Thịnh, để thực hiện được việc này, chính quyền địa phương phải kết hợp với cơ sở tôn giáo cũng như Giáo hội để quản lý vấn đề thu chi.
Cùng đó, nên thành lập các hội đồng, giống như đại diện của người dân để cùng tham gia việc kiểm đếm, tính toán dòng tiền đóng góp.
Sau đó, có thể phân chia để chi tại chỗ, hoặc chuyển vào một quỹ nào đó, thậm chí có thể san sẻ thêm cho các cơ sở thờ tự khác.
“Khi đó, toàn bộ nguồn thu từ hoạt động lễ hội, công đức... đều được kiểm đếm, tính toán phân chia theo tỷ lệ hợp lý. Trong đó, cụ thể tỷ lệ đóng góp cho ngân sách địa phương và trung ương; tỷ lệ tiền giữ lại để sử dụng vào bảo tồn, trùng tu, hay chi tiêu.
Việc này sẽ tạo được niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng”, ông Thịnh góp ý.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay việc quản lý dòng tiền công đức là do ban quản lý thờ tự, trách nhiệm giám sát chủ yếu là cộng đồng.
Việc minh bạch số tiền công đức, tài trợ là bao nhiêu, sử dụng thế nào thì chưa có cơ chế.
“Việc mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nhằm mục đích minh bạch dòng tiền “ra - vào”, điều này không ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho các cơ sở tôn giáo”, luật sư Hậu nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận