Siết điều kiện thành lập trung tâm đăng kiểm
Ngày 8/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong đó đã bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép cho các đơn vị đăng kiểm.
Nghị định 30/2023/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ điều kiện thành lập các đơn vị đăng kiểm, ngăn tình trạng "nở rộ" trung tâm đăng kiểm trên cùng một địa bàn dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh
Cục Đăng kiểm VN cho biết, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Nghị định 139/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 63/2016 cũng được ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2019) để phù hợp với Luật Quy hoạch.
Do đó, từ năm 2019, đơn vị có nhu cầu thành lập trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới tại các địa phương trên toàn quốc không còn phải tuân thủ theo quy hoạch tại Quyết định số 3771 ngày 6/10/2014 của Bộ GTVT (về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể các TTĐK và dây chuyền kiểm định xe cơ giới đến năm 2020, tầm nhìn 2030). Đồng thời, trước khi xây dựng không cần sự chấp thuận của Cục Đăng kiểm VN về vị trí, địa điểm xây dựng TTĐK như trước đây.
Chính điều này đã khiến số lượng TTĐK tăng nhanh chóng trong vài năm qua lên 281 đơn vị, vượt cả quy hoạch mạng lưới đăng kiểm đến năm 2030 tại Quyết định 3771 trước đây, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nảy sinh tiêu cực.
Nhận diện được vấn đề này, Bộ GTVT đã tham mưu, xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định 30 sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 có hiệu lực từ ngày 8/6, đưa nội dung quy định chặt chẽ hơn các điều kiện thành lập các TTĐK.
Dù giữ quy định trình độ đăng kiểm viên tuy nhiên Nghị định 30 cũng đã điều chỉnh giảm thời gian thực tập nghiệp vụ đối với các trường hợp đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm nhanh chóng thu hút được nguồn lực phục vụ hoạt động của các đơn vị đăng kiểm.
Theo đó, các học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa ô tô tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 - 24 tháng thì thời gian thực tập là 6 tháng, trên 24 tháng thì thời gian thực tập là 3 tháng (Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô căn cứ hợp đồng làm việc với học viên và hồ sơ bảo hiểm xã hội để xác nhận và chịu trách nhiệm về thời gian làm việc của học viên tại cơ sở).
Cụ thể, Nghị định 30 quy định: Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại.
Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải tuân thủ quy định về đấu nối, kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định; đảm bảo an toàn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, không gây cản trở và ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, không những nở rộ các TTĐK sau năm 2019 mà việc thành lập các đơn vị này cũng không đồng đều. Nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi chỉ có 1-2 TTĐK trong khi tại các tỉnh thành đồng bằng, đô thị lại “mọc” dày đặc.
Thực tế, PV Báo Giao thông cũng ghi nhận, phản ánh không ít TTĐK đi vào hoạt động mà chưa được cấp phép đấu nối đường từ quốc lộ vào đơn vị, phương án tổ chức giao thông tiềm ẩn nhiều bất cập, nguy cơ mất ATGT.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, việc bổ sung quy định mới này là phù hợp, sẽ tạo điều kiện cho các địa phương vùng miền núi mở thêm TTĐK phục vụ nhân dân trong khi các địa phương đã có mạng lưới dày đặc các TTĐK sẽ siết lại, hạn chế việc mở thêm.
Từ đó khắc phục được tình trạng các TTĐK bố trí không đồng đều, ngăn những cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị đăng kiểm. Đồng thời việc bổ sung quy định về đấu nối, kết nối giao thông cũng cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện ra/vào kiểm định.
Theo ông Tạo, trước khi xảy ra khủng hoảng đăng kiểm, với số lượng 281 TTĐK đã đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân trên cả nước. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm chỉ xảy ra khi hơn trăm TTĐK lần lượt bị tạm dừng hoạt động để phục vụ điều tra.
Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm VN đã triển khai loạt giải pháp, các TTĐK dần khôi phục, nguồn nhân lực được tuyển mới, bổ sung và đặc biệt sau khi Thông tư 08/2023 ban hành cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, hoạt động kiểm định xe đã dần ổn định.
“Tôi tin rằng với số TTĐK hiện có, khi hoạt động lại bình thường cùng những quy định mới như không giới hạn công suất dây chuyền kiểm định, giảm số đăng kiểm viên cần thiết trong 1 dây chuyền cộng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ, giảm thao tác thủ công, hoạt động kiểm định hiện nay vẫn sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân mà không nhất thiết phải mở thêm các TTĐK”, ông Tạo nêu quan điểm.
Nghị định 30 vẫn duy trì quy định đăng kiểm viên phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực
Đăng kiểm viên vẫn cần bằng đại học
Nghị định 30 vẫn giữ quy định đăng kiểm viên phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, trong chương trình đào tạo đại học có các nội dung: Lý thuyết ô tô; Cấu tạo ô tô; Kết cấu tính toán ô tô; Bảo dưỡng kỹ thuật ô tô; Động cơ đốt trong và Điện ô tô hoặc các nội dung tương đương.
Tuy nhiên, Nghị định đã nới lỏng hơn quy định đối với trường hợp không đầy đủ các nội dung trên có thể được đào tạo bổ sung tại các cơ sở giáo dục đại học thay vì tại trường đại học (như Nghị định 139).
TS Khương Kim Tạo cho biết, trong bối cảnh Cục Đăng kiểm VN đã nỗ lực tuyển được nguồn nhân sự mới hiện nay, tình trạng thiếu hụt đăng kiểm viên không quá nghiêm trọng mà vẫn đảm bảo phục vụ được nhu cầu của người dân thì duy trì quy định trình độ chuyên môn đại học đối với đăng kiểm viên là phù hợp và cần thiết để giữ được chất lượng nguồn nhân lực.
Ông cho rằng, vẫn có trường hợp kỹ thuật viên không tốt nghiệp đại học nhưng tay nghề cao, tuy nhiên tổng thể mặt bằng chung, những người tốt nghiệp đại học sẽ có trình độ cao hơn, thông minh hơn và tiếp thu các công nghệ mới trong hoạt động kiểm định nhanh chóng, dễ dàng hơn. Chưa kể, đội ngũ này cũng sẽ có những đề xuất, sáng kiến tiên tiến, hiện đại, hợp lý phục vụ nâng cao chất lượng hoạt động kiểm định xe.
Về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, trong bối cảnh ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ngày càng phát triển, nhiều công nghệ mới được ứng dụng trên các sản phẩm ô tô mới, đồng thời, các TTĐK cũng đã, đang và sẽ tiếp tục ứng dụng nhiều công nghệ mới trong kiểm định xe.
Do đó, cần đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có khả năng tư duy, sáng tạo, hướng tới mục tiêu tự động hoá ngày càng nhiều trong lĩnh vực đăng kiểm xe, giảm bớt các công đoạn thủ công do con người điều khiển.
PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, đăng kiểm viên là nghề nghiệp liên quan đến tính chất an toàn, trong khi đó, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ với nhiều cập nhật mới. Do đó, đăng kiểm viên cần có trình độ chuyên môn cao (đại học) với nhận thức và tư duy logic để nhanh chóng tiếp nhận, nắm bắt các công nghệ kỹ thuật mới, từ đó ứng dụng hiệu quả trong công việc.
“Ngay cả khi cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tham gia vào hoạt động kiểm định xe thì những kỹ thuật viên của các cơ sở này được huy động làm nhân lực đăng kiểm viên cũng cần đáp ứng quy định trên”, PGS. TS. Phúc nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận