Cán bộ Cục Thuế Hà Nội giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp - Nguồn: Internet |
Mới đây, VCCI đã kết hợp với Hội đồng kinh doanh ASEAN và Trường Đại học Lý Quang Diệu để xếp hạng mức độ cạnh tranh của các nước trong khu vực. Kết quả cho thấy, các tiêu chí môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng cuối bảng trong khu vực ASEAN, xếp sau cả Lào và Campuchia.
Môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn đứng cuối bảng
Tại Tọa đàm “Xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh” tổ chức ngày 11/10 tại Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mới đây, VCCI đã kết hợp với Hội đồng kinh doanh ASEAN và Trường Đại học Lý Quang Diệu để xếp hạng mức độ cạnh tranh của các nước trong khu vực. Kết quả cho thấy, các tiêu chí môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng cuối bảng trong khu vực ASEAN, xếp sau cả Lào và Campuchia.
"Việt Nam nói hội nhập quốc tế nhưng theo quy định, sổ sách kế toán vẫn phải in ra. Trong khi đó, đối với một công ty đa quốc gia có thể thực hiện 20-30 nghìn nghiệp vụ mỗi ngày thì một năm lấy đâu ra chỗ để lưu hồ sơ? Vậy mà, khi DN yêu cầu gửi bản mềm thì cơ quan thuế không làm thủ tục hoàn thuế. DN lại phải chạy khắp nơi để có thể đủ giấy tờ bản cứng để hoàn được thuế. Đây là quyền được thụ hưởng của DN mà họ phải đi xin, cậy cục”. Bà Hương Vũ |
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup, các rào cản đối với DN hiện vẫn còn rất lớn. “DN chúng tôi có một cảm giác nơm nớp lo sợ vi phạm các quy định pháp luật. Đơn cử như quy định về bất động sản rất nhiều nên có sự không thống nhất trong cách thực hiện. Có quy định bộ nói được làm, nhưng TP Hà Nội nói không đồng ý”, ông Hưng chia sẻ.
Tương tự, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk nhận định: Nhiều nội dung luật, nghị định mâu thuẫn với nhau, không biết dựa trên cơ sở nào? Trong khi đó, xuất phát điểm của DN Việt Nam còn hạn chế nên làm điều gì cũng sợ sai. Bà Hương dẫn chứng: “Công ty tôi có những hoạt động được ưu tiên miễn thuế nhưng khi nhân viên thuế của địa phương đến lại bảo không có trong biểu thuế, phải áp mức thuế tối thiểu 5%. Nếu không nộp thì tôi lại là người trốn thuế!?”.
Theo ông Phạm Thành Hưng, Nhà nước đang có nhiều quy định quá chi tiết, can thiệp sâu vào hoạt động, giải pháp của DN. “Hãy để DN tự lựa chọn giải pháp cho kinh doanh của mình. Chúng tôi muốn có không gian để sáng tạo và một hành lang pháp lý thông thoáng để đi”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trước câu hỏi tại sao luật lại quy định quá chi tiết các điều kiện kinh doanh như vậy, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lý giải: Một số lĩnh vực cần điều kiện kinh doanh như một biện pháp nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn con người, an ninh quốc gia và môi trường. Tuy nhiên, khi giai đoạn bảo hộ chính thống giảm dần thì nhiều quốc gia lại dùng quy định hành chính để siết lại. Việt Nam đang sử dụng biện pháp này. Về cơ bản, không vi phạm cam kết quốc tế, song chúng ta đang nhầm lẫn giữa rào cản bảo hộ và kỹ thuật, thiếu giải trình về lý do đặt điều kiện. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự sáng tạo của DN, thị trường bị đè nén và cơ hội cho nhiều đối tượng trục lợi”, ông Thành nhận định.
Cần chấm dứt tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”
Theo ông Đoàn Duy Khương, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nếu được thông qua sẽ tạo dựng một môi trường cạnh tranh minh bạch. Không chỉ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất mà còn hướng đến xóa bỏ các rào cản cho DN.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành nhận định: “Luật Hỗ trợ DNVVN có tinh thần tốt nhưng để thực thi chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Với 95-97% là DNVVN, không có nguồn lực nào có thể hỗ trợ tất cả. Ngay cả khi hỗ trợ cho một nhóm, một lĩnh vực nhưng cũng không được làm méo mó thị trường, vi phạm cam kết quốc tế...”.
Đồng tình với nhận định trên, ông Phí Ngọc Trịnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm nêu quan điểm: “Chưa cần bàn đến việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNVVN chỉ cần Chính phủ thực hiện được đúng như Nghị quyết 35 thì DN sẽ được cởi trói với môi trường kinh doanh thuận lợi. Cần phải giải quyết tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, bởi các bộ, ngành hiện nay vẫn làm theo tính chủ quan”.
Tương tự, bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho biết: “Đọc Nghị quyết 35 mới thấy Thủ tướng rất quan tâm đến hỗ trợ DN, nhưng làm sao để cụ thể hóa nghị quyết vào thực tế thì rất khó, bởi sau nó là thông tư, các giấy phép con ở dưới nữa”.
Theo ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam: “Nghị quyết 35 của Chính phủ Việt Nam hiện đang đi đúng hướng nhưng dường như ra đời hơi muộn... Không có bộ luật nào hoàn hảo, các bạn cần có những bộ luật bao trùm các trường hợp để không bỏ sót trường hợp nào ngoài luật. Thêm vào đó là bộ phận hành pháp tại các địa phương phải đồng nhất, không thể có chuyện mỗi nơi xử lý một kiểu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận