11/14 bị can được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt
Tới thời điểm này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 14 bị can về các tội: "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".
Trong đó, có 11 bị can được đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt gồm có: Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp; Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone; Cao Duy Hải, nguyên thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Mobifone; Phan Thị Hoa Mai, thành viên Hội đồng thành viên Mobifone; Hồ Tuấn, thành viên Hội đồng thành viên Mobifone; Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, kế toán Mobifone; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc phụ trách đa phương tiện và giá trị gia tăng Mobifone; Nguyễn Bảo Long, Phó tổng giám đốc Mobifone; Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc Mobifone và Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG.
Danh sách bị can được đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt không có tên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son; Võ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty AMAX và Hoàng Duy Quang, thẩm định viên Công ty AMAX.
Về chính sách hình sự đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, đó một trong những chính sách khoan hồng. Các quy định về việc này được thể hiện rõ ràng, cụ thể để ghi nhận sự hợp tác của người phạm tội trong việc khai báo cũng như khắc phục hậu quả.
Theo kết luận điều tra, trong thương vụ Mobifone mua AVG, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng biết rõ đây là dự án nhóm A, có quy mô trên 5.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân làm trái quy định.
Các bị can là lãnh đạo Mobifone nhận thức rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ lớn, giá mua theo tư vấn cao so với giá trị thực thể hiện trên sổ sách kế toán, nhưng vẫn chỉ đạo, tham gia thực hiện thương vụ này.
Giám đốc Công ty AMAX Võ Văn Mạnh biết việc thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG là vi phạm quy định, nhưng vẫn ký chứng thư thẩm định giá và báo cáo xác định giá trị AVG không đúng giá trị thực tế để cung cấp cho Mobifone làm căn cứ đàm phán mua lại 95% cổ phần AVG. Bị can Hoàng Duy Quang, thẩm định viên Công ty AMAX đồng phạm với Võ Văn Mạnh để ký chứng thư thẩm định giá và báo cáo xác định giá trị AVG không đúng giá trị thực tế này.
Chính sách hình sự đặc biệt là gì?
Theo Luật sư Trương Anh Tú, VP Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định cái gọi là “chính sách hình sự đặc biệt”, đó chỉ là một cách nói mang tính chất khẩu ngữ, thuật ngữ này không có trong Bộ luật Hình sự.
“Chính sách hình sự đặc biệt có thể được hiểu có sự khoan hồng của Nhà nước dành cho những người, những bị can, bị cáo mà đã thành khẩn khai báo giúp sức tích cực để cơ quan điều tra hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục hậu quả, chỉ ra những đồng phạm, tội phạm khác giúp cơ quan Nhà nước thực hiện tốt trong quá trình điều tra, thì sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", luật sư Tú phân tích.
Như vậy, theo luật sư Tú, việc này không có gì đặc biệt, nhiều bị can, bị cáo đã được áp dụng chính sách khoan hồng này.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp trong kết luận điều tra vụ án Mobifone mua AVG, các bị can Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt, là do những tình tiết giảm nhẹ như bị can tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra... Còn bị cáo nào không có các tình tiết giảm nhẹ trên, thì không được hưởng chính sách khoan hồng, hay có thể gọi là chính sách hình sự đặc biệt này.
“Tuy nhiên, đây chỉ là đề nghị của cơ quan điều tra, chưa phải là quyết định cuối cùng của vụ án. Để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi thế nào, đánh giá nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thế nào khi lượng hình thì thẩm quyền thuộc về tòa án trong quá trình xét xử, theo kết quả tranh tụng tại phiên toà”, luật sư Cường lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận