Hồ sơ tài liệu

Mỗi năm có 20 nghìn trẻ em mất tích ở Trung Quốc

20/03/2015, 15:21

Mỹ ước tính, mỗi năm có khoảng 20.000 trẻ em ở Trung Quốc mất tích.

14_anh253
Anh Xiao và hành trình 8 năm tìm kiếm con trai chưa có hồi kết.

Tính trung bình, mỗi tuần có đến 400 trẻ em phải rời xa gia đình. Buôn bán trẻ em trên mạng là một vấn đề nhức nhối trong xã hội Trung Quốc hiện đại.

Câu chuyện của nhà Xiao

Vào tháng 2/2007, Xiaosong, cậu con trai 5 tuổi của Xiao Chao (sống ở Huệ Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) mất tích bí ẩn khi đi mua sữa tại cửa hàng tạp hóa ngay gần khu vực gia đình sinh sống. Xiao Chao ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm. Lúc đầu, anh tìm tại các cửa hàng tạp hóa, sau đó là quán cà phê, quán Internet nhưng tất cả đều không có kết quả. Anh quyết định báo cảnh sát. 

"Cảnh sát nói rằng, có thể con trai tôi đã bị bắt cóc và đưa đến một thành phố khác", Xiao nói. Trong tuần đầu tiên, Xiao đã chi khoản tiền 50.000 nhân dân tệ (khoảng 8.000 USD) để đưa tin tìm kiếm trên truyền hình địa phương. Hằng ngày, hàng tuần, hằng năm trôi qua nhưng mọi thông tin vẫn "bặt vô âm tín". "Tôi không còn đủ tỉnh táo để lên kế hoạch bất cứ điều gì. Tôi đi như một người bị điên. Tôi đến bất cứ nơi nào mà mình có thể đi", Xiao nói.

Trong năm đầu tiên, Xiao đi xe máy rong ruổi khắp các ngõ ngách trên địa bàn tỉnh Quảng Đông. Anh dán thông tin về con trai ở trạm xe buýt, nhà ga, trung tâm mua sắm, hứa hẹn sẽ có phần thưởng cho bất kỳ ai cung cấp thông tin. 

Cuối cùng, Xiao đã phải bán cửa hàng và dồn tiền mua một chiếc xe tải, gửi con gái lớn về quê ở tỉnh Giang Tây cho ông bà chăm sóc để bắt đầu cuộc hành trình trên khắp Trung Quốc. Anh đã đến rất nhiều nơi, từ cao nguyên Tây Tạng, đến các thành phố lớn, các làng xóm nhỏ… 8 năm trôi qua, cuộc hành trình của Xiao vẫn chưa thể dừng lại.

Anh Xiao cho rằng, để đấu tranh với nạn buôn bán trẻ em cần có hệ thống luật pháp đủ mạnh và những người mua bán trẻ em phải bị trừng phạt thích đáng. "Theo quy định, nếu bị bắt, những người phạm tội phải đối mặt với bản án ba năm tù nhưng có lẽ, quy định này không đủ mạnh để răn đe", anh Xiao nói.

400 trẻ em mất tích/tuần

Xiao chỉ là một trong hàng ngàn phụ huynh Trung Quốc phải trải qua nỗi đau đớn mất con mỗi năm. Chính phủ Trung Quốc không cung cấp số liệu chính thức nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính, khoảng 20.000 trẻ em Trung Quốc bị bắt cóc hằng năm, trung bình 400 em mất tích một tuần. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng, con số thực tế thậm chí còn cao hơn nhiều lần, khoảng 200.000 trẻ em mỗi năm. Cảnh sát Trung Quốc từ chối bình luận về con số này.

Một cậu bé có thể được bán với giá 100.000 nhân dân tệ (khoảng 16.000 USD), cao gấp đôi so với giá bán một bé gái. Sở dĩ giá bán trẻ em trai cao hơn trẻ em gái là do truyền thống "trọng nam" ở Trung Quốc. Sau khi bị bắt cóc, trẻ em thường được bán làm con nuôi nhưng một số buộc phải làm việc như người ăn xin cho các băng nhóm tội phạm. Đại đa số những trẻ em bị bắt cóc không được tìm thấy.

Nỗ lực như "muối bỏ bể"

Buôn bán trẻ em lần đầu tiên gây "rúng động" Trung Quốc cách đây 12 năm, khi cảnh sát Quảng Tây phát hiện 28 trẻ sơ sinh ở phía sau một chiếc xe buýt. Những đứa trẻ bị đánh thuốc mê và đặt trong túi nylon, một đứa trẻ đã chết vì nghẹt thở. Những kẻ buôn người đã bị bắt và người đứng đầu băng nhóm bị kết án tử hình. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, thủ đoạn hoạt động của băng nhóm buôn trẻ em đã trở nên tinh vi hơn. Rất nhiều hoạt động diễn ra trực tuyến.

14_anh253-1
Mỗi năm có khoảng 20.000 trẻ em bị mất tích ở Trung Quốc.

 Theo Tân Hoa Xã, bốn băng nhóm tội phạm đã bị cảnh sát phát hiện, bóc gỡ vào tháng hai năm ngoái. Những băng nhóm này buôn bán trẻ sơ sinh bị đánh cắp qua các trang web, diễn đàn chat trực tuyến với "vỏ bọc" dịch vụ cho, nhận con nuôi. 1.094 người đã bị bắt giữ và 382 trẻ sơ sinh được giải cứu. Cảnh sát Trung Quốc cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại của thị trường buôn bán trẻ em trên mạng Internet và cuộc chiến với tội phạm buôn bán trẻ em qua mạng vẫn là thách thức lớn với cơ quan chức năng ở nước này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.